BHXH tự nguyện: Cần chính sách linh hoạt

Để tăng độ bao phủ, chính sách BHXH tự nguyện cần được cải cách theo hướng linh hoạt, đồng thời tăng quyền lợi của người tham gia

Chính sách BHXH tự nguyện được triển khai từ năm 2008 nhưng đến nay, số người tham gia chưa nhiều. Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 11-2023, số người tham gia BHXH tự nguyện cả nước là 1,508 triệu, chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong tổng số lao động phi chính thức tại Việt Nam.

Còn nhiều rào cản

Lý giải về việc người lao động (NLĐ) chưa mặn mà với chính sách BHXH tự nguyện, nhiều ý kiến cho rằng chủ yếu là do mức đóng cao (22% thu nhập tháng). Dù được chọn mức thu nhập làm căn cứ đóng song nếu chọn mức đóng quá thấp thì mức hưởng không đáng kể. Trong khi đó, nếu chọn mức đóng đúng với thu nhập thực tế thì mỗi tháng, NLĐ mất gần 1/4 thu nhập chỉ để đóng BHXH tự nguyện. Đây là rào cản lớn với người tham gia.

Bà Ngô Thị Anh Đào - công nhân may tại một doanh nghiệp trên địa bàn quận Gò Vấp, TP HCM - cho biết do mức đóng cao nên bà đã phải cân nhắc rất nhiều khi đi đến quyết định tham gia BHXH tự nguyện. Năm 2022, bà đến tuổi nghỉ hưu trong khi mới đóng BHXH được 18 năm, vì muốn có lương hưu nên cần đóng thêm 2 năm BHXH tự nguyện. Bà chọn mức thu nhập đóng BHXH tự nguyện bằng với mức đóng BHXH bắt buộc của tháng liền kề trước khi nghỉ hưu (5 triệu đồng). Như vậy, mỗi tháng bà phải đóng 1,1 triệu đồng. Tổng số tiền bà phải đóng cho 2 năm còn thiếu là hơn 26 triệu đồng.

"Khi đến tuổi hưu, tôi chỉ còn làm việc thời vụ, thu nhập không ổn định nên phải vay mượn để đóng BHXH tự nguyện. Theo tôi, cơ quan soạn thảo luật nên cân nhắc lại tỉ lệ đóng BHXH tự nguyện. Nếu giữ nguyên như quy định hiện hành thì rất ít NLĐ theo được trong thời gian dài để hưởng chế độ hưu trí" - bà Đào nhận xét.

Theo ThS Lê Ngọc Anh, giảng viên Trường ĐH Luật TP HCM, Việt Nam được quốc tế đánh giá là quốc gia có tỉ lệ thụ hưởng chính sách BHXH tự nguyện cao so với khu vực. Tuy nhiên, xét về mức độ hấp dẫn, việc chỉ quy định thực hiện 2 chế độ hưu trí và tử tuất với thời gian đóng góp kéo dài tối thiểu để hưởng lương hưu là 20 năm dẫn tới thực trạng người dân không mặn mà. 

Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế của đa số lao động tự do còn thấp, trong khi thời gian đóng dài, mức đóng cao, hỗ trợ của nhà nước thấp và thời gian hỗ trợ tối đa chỉ trong vòng 10 năm cũng khiến chính sách BHXH tự nguyện thiếu hấp dẫn.

Để khắc phục tình trạng trên, bà Ngọc Anh đề xuất nâng mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện từ 30% lên 50% với hộ nghèo, 25% lên 35% với hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% với các nhóm còn lại.

BHXH tự nguyện: Cần chính sách linh hoạt

Nhân viên BHXH và Bưu điện TP HCM tư vấn chính sách BHXH tự nguyện cho người dân. Ảnh: MAI CHI

Bổ sung chế độ ngắn hạn

Để tăng tính hấp dẫn cho chính sách BHXH tự nguyện, ngoài việc đề xuất giảm điều kiện về thời gian đóng tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 xuống 15 năm, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) còn bổ sung chế độ thai sản.

Ông Trương Văn Phỉ - Phó Chủ tịch Công đoàn các KCN TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương - cho rằng mức hưởng như đề xuất (2 triệu đồng với 1 con) là quá thấp, không đủ trang trải. Bên cạnh đó, quy định nếu cả cha lẫn mẹ cùng tham gia BHXH tự nguyện đủ điều kiện hưởng thì chỉ cha hoặc mẹ được hưởng chế độ cũng làm giảm tính ưu việt của chính sách.

Từ thực tế này, ông Phỉ đề xuất nếu cả cha lẫn mẹ cùng tham gia thì cả 2 đều được hưởng chế độ thai sản. Bên cạnh đó, ông cho rằng cần bổ sung một số chế độ đối với lao động nữ khi tham gia BHXH tự nguyện, như khám khai (ít nhất 4 lần trong thời gian mang thai). Ngoài ra, về mức hưởng trợ cấp thai sản đối với người tham gia BHXH tự nguyện, không nên quy định số tiền cụ thể mà chuyển thành tỉ lệ % hệ số lương cơ sở để có sự điều chỉnh theo từng thời điểm.

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, để thúc đẩy người dân tham gia thì cần phải cải cách các chính sách theo hướng mở rộng chế độ BHXH tự nguyện sao cho bảo đảm bình đẳng về chính sách thụ hưởng đối với 2 khu vực.

Cụ thể, cần bổ sung các chính sách BHXH ngắn hạn (thai sản, ốm đau, thất nghiệp…) vào chế độ BHXH tự nguyện để NLĐ thấy được lợi ích. Về lâu dài, để đạt mục tiêu bao phủ BHXH như Nghị quyết 28-NQ/TW đề ra, nhiều ý kiến cho rằng cần từng bước đa dạng hóa, thiết kế nhiều gói chính sách về BHXH tự nguyện sao cho từng người, từng đối tượng căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, lựa chọn các gói BHXH linh hoạt để tham gia.

Vụ BHXH - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhìn nhận từ năm 2019 đến nay, Việt Nam đã có bước phát triển trong việc khuyến khích NLĐ tham gia BHXH tự nguyện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Những người tham gia BHXH tự nguyện mới có 2 chế độ hưu trí và tử tuất nên giai đoạn đầu chỉ có đóng. Vì vậy, sắp tới, chính sách BHXH tự nguyện sẽ phải bổ sung các chế độ ngắn hạn để khuyến khích NLĐ khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện. 

Nên bỏ thời gian chờ rút BHXH một lần

Về chế độ BHXH một lần với người đóng BHXH tự nguyện, ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật - LĐLĐ TP HCM, cho rằng không nên quy định điều kiện hưởng như BHXH bắt buộc. Bởi lẽ, khi lựa chọn tham gia BHXH tự nguyện, NLĐ đã ý thức được về quyền lợi mà họ được hưởng. Tuy nhà nước hỗ trợ 1 phần chi phí đóng nhưng về bản chất, phần lớn BHXH tự nguyện vẫn do NLĐ đóng. Khi quyết định rút BHXH một lần thì họ thật sự khó khăn, cần có khoản tiền để trang trải.

Do vậy, nên chăng cho họ được phép hưởng chế độ khi có nhu cầu, không phải chờ sau 12 tháng không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện như dự thảo luật sửa đổi đề xuất.

Danh sách việc làm

createGóp ý kiến