Rà soát, ngăn chặn tình trạng sử dụng giấy nghỉ việc hưởng BHXH "khống"

(NLĐO)- Thủ trưởng, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của dữ liệu do đơn vị tạo lập.

Nhằm tăng cường quản lý, kiểm soát chi phí khám bệnh, chữa bệnh, đồng thời phòng ngừa và kịp thời phát hiện các hành vi lạm dụng, gian lận, trục lợi quỹ BHYT, tại văn bản gửi Sở Y tế, BHXH và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức đã yêu cầu Giám đốc các cơ sở khám chữa bệnh BHYT khi cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người lao động phải đảm bảo các nguyên tắc:

- Đúng người bệnh, phù hợp với tình trạng sức khỏe của người bệnh và hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế. Tuyệt đối không lập hồ sơ khống và cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người không đủ điều kiện.

Rà soát, ngăn chặn tình trạng sử dụng giấy nghỉ việc hưởng BHXH "khống"

Việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH phải đảm bảo các nguyên tắc đúng người bệnh, phù hợp với tình trạng sức khỏe của người bệnh

- Đảm bảo tính pháp lý của nhân viên y tế cấp giấy nghỉ ốm (thẩm quyền, phạm vi đăng ký hành nghề, thời gian hành nghề tại cơ sở y tế...); rà soát lại việc phân công bác sĩ được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, giấy ra viện, giấy chứng sinh.... Đối với các trường hợp đã nghỉ việc hoặc không còn được phân công cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH thì thông báo cho cơ quan BHXH biết.

- Việc đăng ký mẫu dấu, mẫu chữ ký sử dụng trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH được thực hiện theo quy định tại Điều 26 Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29-12-2017 của Bộ Y tế. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cập nhật dữ liệu khám, chữa bệnh vào cơ sở dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh quốc gia để liên thông với hệ thống dữ liệu trên Cổng giám định BHYT của cơ quan BHXH để đối soát trước khi giải quyết chế độ đối với người lao động.

- Tạo lập chứng từ điện tử về khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo quy định tại Nghị định số 166/2016/NĐ-CP ngày 24-12-2016 của Chính phủ quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, thủ trưởng, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác cơ sở dữ liệu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tạo lập.

- Thường xuyên rà soát việc thực hiện cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Trường hợp có gia tăng đột biến cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH hoặc một nhân viên y tế cấp nhiều giấy nghỉ ốm trong thời gian ngắn, cơ sở khám, chữa bệnh phải tổ chức kiểm tra làm rõ và thông tin kết quả cho cơ quan BHXH để kịp thời phối hợp xử lý theo quy định.

- Phối với cơ quan BHXH thực hiện xác minh các trường hợp đề nghị thanh toán hưởng chế độ BHXH mà không có dữ liệu về khám bệnh, chữa bệnh trên Hệ thống thông tin giám định BHYT để cơ quan BHXH làm căn cứ giải quyết hưởng chế độ BHXH

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị Cơ sở khám chữa bệnh thường xuyên phổ biến, quán triệt cho nhân viên y tế về Điều 215 Tội gian lận BHYT của Bộ luật Hình sự năm 2015, Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15-8-2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, trong đó hướng dẫn áp dụng Điều 215 về Tội gian lận BHYT. Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra sai phạm trong đơn vị, lĩnh vực công tác được giao quản lý, phụ trách.

Điều 215 Bộ luật Hình sự: Tội gian lận BHYT

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền BHYT từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm:

a) Lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng;

b) Giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT được cấp khống, thẻ BHYT giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ BHYT của người khác trong khám chữa bệnh hưởng chế độ BHYT trái quy định.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tiền BHYT từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;

d) Gây thiệt hại từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;

đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:

a) Chiếm đoạt tiền BHYT từ 500 triệu đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Danh sách việc làm

createGóp ý kiến