Rút BHXH một lần: Phương án 1 chiếm ưu thế?

(NLĐO) - Phương án 1 có nhiều ưu điểm và cơ bản bảo đảm kế thừa quy định BHXH hiện hành, không gây sự xáo trộn trong xã hội

Tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) mới nhất, việc giải quyết hưởng BHXH một lần cho người lao động vẫn đề xuất 2 phương án.

Phương án 1: Người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm.

Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ của BHXH.

Rút BHXH một lần: Phương án 1 chiếm ưu thế?

Người lao động chờ làm thủ tục hưởng BHXH một lần tại BHXH TP Thủ Đức, TP HCM

Tại buổi tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) diễn ra ngày 3-5, Ủy ban Xã hội Quốc hội cho hay trong quá trình chỉnh lý, góp ý dự thảo Luật, đa số ý kiến cho rằng Phương án 1 có ưu điểm.

Cụ thể, phương án này cơ bản bảo đảm kế thừa quy định hiện hành, không gây sự xáo trộn trong xã hội (không làm ảnh hưởng nhiều đến khoảng 18 triệu người đang tham gia BHXH); Hướng tới tiếp cận theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế về BHXH; Hạn chế được tình trạng một người tham gia BHXH có nhiều lần hưởng BHXH một lần thời gian qua (giai đoạn 2016 - 2022 đã có gần 25% số lượt người rút BHXH một lần đã rút từ 2 lần trở lên).

Về lâu dài, nếu thực hiện Phương án 1 sẽ góp phần tăng số người được thụ hưởng các chế độ của BHXH, giảm gánh nặng cho xã hội và ngân sách nhà nước khi phải cân đối nguồn lực để thực hiện các chính sách bảo trợ xã hội.
Điểm hạn chế của Phương án 1 là có thể có sự so sánh giữa những người lao động tham gia trước và sau khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực. Tuy nhiên, dự thảo Luật được xây dựng theo hướng cải cách nhằm thể chế hóa toàn diện quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW nên sẽ không thể tránh khỏi việc có sự khác nhau giữa các nhóm đối tượng trước cải cách và nhóm đối tượng sau cải cách.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã tổ chức nhiều hội thảo chuyên ngành, nghiên cứu sâu, đánh giá tác động kỹ lưỡng, qua đó thấy rõ mỗi phương án đều có ưu điểm, khuyết điểm đặc thù. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng Phương án 1 có nhiều ưu điểm hơn, phù hợp hơn với tình hình hiện tại.

Cũng theo Bô trưởng Đào Ngọc Dung, so với quy định hiện hành phương án 1 có sự khác biệt. Đó là nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận BHXH một lần thì khi đến tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ số năm đóng tối thiểu để hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, thì có thể lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng (từ khi đủ tuổi nghỉ hưu đến trước tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (75 tuổi). Trong thời gian hưởng trợ cấp, người lao động còn được ngân sách Nhà nước đóng BHYT và nếu chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng...

Dự kiến, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) sẽ được Quốc hội tiếp tục xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và có hiệu lực thi hành từ 1-7-2025.

Người lao động

Danh sách việc làm

createGóp ý kiến