Được lương cao thì ai cũng thích nhưng khi nghe nói về quá nhiều tác động tiêu cực của lương cao, bạn có còn dám sở hữu mức lương như vậy nữa không?
Mọi người đều mong muốn sở hữu một mức lương cao, vì nhờ nó chúng ta có thể ổn định tài chính, tự do chi tiêu và giải trí, sống thoải mái và không phải quá lo lắng về nhiều điều. Tuy nhiên, đi cùng với số tiền lớn là một trách nhiệm còn lớn hơn khiến chúng ta e ngại. Trong vài tình huống không thuận lợi, tác động tiêu cực của việc sở hữu công việc có mức lương quá cao đã khiến không ít người cảm thấy hối hận.
Dưới đây là một số hạn chế hoặc nguy cơ mang đến tác động xấu của việc nhận lương quá cao, hãy cùng careerviet tìm hiểu:
Khi công ty trả lương rất cao cho nhân viên, tất nhiên họ sẽ có những đòi hỏi cao hơn về hiệu suất, đồng thời cũng kỳ vọng bạn đóng góp nhiều hơn trong vai trò đang đảm nhiệm. Do đó, cùng với một mức lương cao hơn đáng kể, mức độ áp lực và trách nhiệm dành cho công việc sẽ nặng nề hơn bội phần.
Một số người có thể ứng phó tốt với yêu cầu và tình trạng căng thẳng để thoả mãn kỳ vọng của “doanh nghiệp trả lương cao”. Nhưng phải thừa nhận, trên thực tế, phần lớn nhân viên sẽ không. Bởi con người đâu phải máy móc, chúng ta có ngưỡng năng suất nhất định, có thể “căng” bản thân ra nhằm đáp ứng yêu cầu trong một thời khoảng thời gian nhưng không thể kéo dài mãi mãi. Khoảng cách giữa mong đợi phù hợp với kỳ vọng quá mức đôi lúc khá hẹp. Trong khi đó, không phải công ty nào cũng tuyệt vời, và không phải người lao động nào cũng có kỹ năng cân bằng cuộc sống và công việc.
Đáng ngại hơn nữa chính là sau khi đã bằng mọi cách dồn hết năng lượng đấu tranh, dốc cạn sức lực chạy theo các yêu cầu và đáp ứng khối lượng công việc ngày càng cao đến nỗi sức khoẻ giảm sút, tinh thần suy sụp mà vẫn không đem lại kết quả tốt, nhiều người có xu hướng buông xuôi, hoặc thậm chí bỏ việc để trốn tránh.
Mức lương cao tỷ lệ thuận với mức độ cam kết hoàn thành. Khi chấp nhận những công việc này, bên cạnh thời gian và sức lực, bạn sẽ phải bán thêm cả ý chí của mình. Khó lòng từ chối với hầu hết nhiệm vụ được giao và lòng tự tôn không cho phép bạn thất bại. Mỗi khi có biểu hiện hay kết quả công việc không tốt, chúng ta thường phải đối diện với những phán xét, dèm pha, công kích. Lương càng cao “lời ra tiếng vào” càng nhiều. Chúng ta không muốn bị xem thường hay khiển trách, và rất khó chấp nhận việc giáng chức hay mất việc. Cho nên nỗi sợ không hoàn thành nhiệm vụ của người nhận lương cao thực sự ám ảnh và nặng nề hơn người khác.
Hầu hết công việc trả lương “khủng” thường đi kèm với mức độ rủi ro riêng mà bạn phải chấp nhận nếu muốn theo đuổi. Không như các “sai lỗi nho nhỏ” trong công việc chúng ta thường nhắc đến, các vị trí ẩn chứa rủi ro này yêu cầu bạn phải tập trung và cảnh giác cao độ nhằm tuyệt đối tránh những sai sót. Ví dụ: Bác sĩ phẫu thuật, cảnh sát, phi công hoặc nhân viên kiểm soát không lưu là những người đảm nhiệm công việc cực kỳ căng thẳng về tâm lý. Mỗi một sai lầm (dù gián tiếp hay trực tiếp) đều sẽ trả giá bằng tính mạng con người. Cần hiểu rằng, một khi bạn làm sai đó không chỉ là trách nhiệm pháp lý, sự tổn hại danh tiếng hay uy tín nghề nghiệp mà còn bao gồm cả những dư chấn tâm lý mãi về sau.
Khi đặt chân lên một cấp bậc khá cao để nhận về mức lương thực sự khiến nhiều người khao khát, bạn sẽ nhận ra rằng các lựa chọn dành cho mình trong tương lai thực sự hạn chế. Đỉnh bao giờ cũng hẹp hơn đáy, nên những vị trí cao hơn – tốt hơn cho bạn trong tương lai chỉ ít đi chứ không thể nhiều hơn. Nếu muốn tìm việc mới, bạn chắc chắn không đồng ý nhận mức lương thấp hơn hiện có. Và hẳn bạn sẽ thấy không an toàn nếu rời bỏ công ty trả lương cao để thử làm điều gì đó mới mẻ nhưng không nắm chắn kết quả.
Có thể kiếm được mức lương đến 9 con số mỗi tháng, nhưng bạn có hạnh phúc không? Đó là câu hỏi quan trọng. Không ít người phải hy sinh lý tưởng để chọn cuộc sống dễ dàng hơn hoặc là để phụ giúp gia đình.
Nhiều người làm sai công việc chỉ đơn giản vì họ muốn mức lương cao hơn. Thế giới này đang khiến chúng ta phải chạy theo tiền bạc đến nỗi có khi phải bỏ đi những mối quan tâm và quên mất khát vọng. Những ước mơ bạn từng ấp ủ bị các nhu cầu trước mắt kìm nén lại, cho đến ngày bạn nhận ra rằng mình đi quá xa thì đó cũng là lúc bạn đã thoả hiệp với ước mơ đến mức không còn đủ thời gian và ý chí để quay trở lại.
Có một mức lương cao giúp bạn được bảo đảm trong hầu hết khía cạnh cuộc sống. Vì biết rằng bản thân đủ khả năng chi trả các nhu cầu và mong muốn của mình, sự hại lòng khiến nhiều người không tìm thấy lý do để làm việc chăm chỉ hơn nữa và cũng không còn động lực phấn đấu trong công việc. Bạn trở nên tự mãn với vị trí hiện tại mình đang nắm giữ.
Thật tốt khi chúng ta biết hài lòng với những điều đang có, nhưng sự tiến bộ không bao giờ nên ngừng lại. Bạn vẫn nên tìm kiếm và nắm bắt cơ hội phát triển cá nhân lẫn sự nghiệp, ngay cả khi khả năng tài chính đã vững vàng.
Thu nhập cao sẽ thúc đẩy nhu cầu hưởng thụ và khiến bạn đôi khi không cưỡng lại được sức hấp dẫn của lối sống xa hoa. Chúng ta có quyền sử dụng những sản phẩm đắt tiền hơn, dịch vụ chất lượng hơn khi đã đủ khả năng chi trả. Sau khoảng thời gian làm việc vất vả, bạn hoàn toàn xứng đáng được ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn và chơi vui hơn để tái tạo năng lượng. Tuy nhiên, cần hiểu được ranh giới của tận hưởng cuộc sống và tiêu xài phung phí, vô độ.
Lương cao giống như chiếc bẫy ngọt ngào, nó cho bạn cảm giác chiến thắng và nâng tiêu chuẩn sống của bạn lên mức độ cao hơn nhưng lại không nói cho bạn biết rằng một khi đã quen với “những hương vị đắt tiền” chúng ta rất khó lòng quay lại. Lương cao giúp mua được mức sống cao, nhưng hãy biết rằng đâu đó vẫn luôn tồn tại các nguy cơ có thể đẩy bạn vào điều kiện sống bấp bênh, túng thiếu như công việc không ổn định hay thất nghiệp. Hãy tỉnh táo để bản thân không bao giờ bị mắc kẹt trong cảnh nợ nần chỉ vì đã phát triển thói quen tiêu tiền nhiều hơn khả năng kiếm tiền.
Lương cao còn khiến nhiều người có xu hướng tìm đến kết thân với các đối tượng có địa vị xã hội tương tự hoặc tầng lớp thượng lưu và học thêm thói quen mới. Đôi khi bạn thực sự hợp với họ, nhưng lắm lúc đó không phải là nơi bạn thuộc về nên bạn phải “biến chất” để thích nghi. Ai rồi cũng khác theo thời gian, nhưng quá trình trưởng thành và thay đổi cần có sự chọn lọc phù hợp. Sẽ rất hối tiếc nếu ngày kia bạn nhìn lại, biết mình đã biến thành một người không có gì giống như bản thân từng mong đợi, ngoại trừ rất nhiều tiền.
Chúng ta thường hay nghe câu nói “phú quý sinh lễ nghĩa”, đây cũng là một mối hoạ tiềm tàng đối với người có thu nhập cao. Hiểu biết những phép tắc, lễ nghi chẳng có gì không tốt, nhưng sẽ cực kỳ phiền phức khi bạn bắt đầu chạy đua theo những lễ nghĩa hình thức một cách tiêu cực. Chẳng hạn như bạn ngấm ngầm đòi hỏi mọi người phải hành xử theo các chuẩn mực bạn cho là tốt. Tác động xấu hơn nữa là khi bạn phán xét cay nghiệt hoặc xem thường những ai không làm giống mình.
Bên cạnh đó, nếu mọi thứ của bạn luôn được hoàn thành nhanh chóng nhờ tài chính thuận lợi, đôi khi bạn quên hết cảm giác vất vả vượt qua khó khăn là thế nào. Đó là lúc bạn đánh mất ít nhiều khả năng đồng cảm và chấp nhận những sai lỗi của người xung quanh.
Muốn nhận về một mức lương cao hơn, nghĩa là bạn phải đánh đổi nhiều nguồn lực và công sức hơn. Chạy theo thời hạn của các nhiệm vụ khác nhau sẽ khiến bạn hao tổn tâm tư, sức lực và thời gian. Bạn sẽ phải chịu đựng cảm giác cơ thể mệt mỏi căng thẳng, đầu óc lo lắng bồn chồn, thậm chí liên tục mất ngủ khi cường độ công việc vượt quá mức. Không còn nghi ngờ gì về kết quả suy nhược cơ thể, nếu bạn cứ thường xuyên vắt kiệt sức khoẻ trong khi không thể dành lại chút thời gian để nghỉ ngơi hay tái tạo năng lượng. Những điều tuyệt vời mà mức lương cao hứa hẹn không bao giờ có thể lớn hơn sức khoẻ. Bạn không thể nào tận hưởng được số tiền lớn mình có trong tay một cách đúng nghĩa nếu đã nằm trên gường bệnh.
Nhiều bạn trẻ từng chia sẻ rằng, sự độc lập tài chính của họ vô tình khiến bố mẹ buồn lòng. Bởi khi đã tận hưởng trọn vẹn cảm giác tự hào vì nỗ lực của bản thân mang lại kết quả tốt, bạn bắt đầu sống theo cách của riêng mình. Khả năng tự chủ tài chính khiến người thân dường như không còn “chạm” được vào bạn nữa, bạn có thể rời khỏi nhà bất cứ lúc nào và sử dụng những tiện nghi như ý thích mà không cho phép ai làm phiền.
Bạn nhận một công việc trả lương cao để có cơ hội tận hưởng niềm vui, mua thêm những tiện nghi và đầu tư cho tương lai là rất tốt, nhưng đó là khi bạn kiểm soát được nó. Còn ngược lại, đây chính là điều kiện thuận lợi để huỷ hoại tình trạng yên ổn của các mối quan hệ. Mỗi ngày của chúng ta vẫn chỉ có 24 giờ, nếu muốn kiếm nhiều tiền hơn thì bạn cần đánh đổi. Dành thêm thời gian cho công việc nghĩa là phải cắt giảm thời gian dành cho bản thân, gia đình lẫn bạn bè. Nhưng đừng quên, chẳng ai sống vui khi thiếu bạn bè và người thân bên cạnh.
Một khi đã rơi vào vòng xoáy kiếm tiền, bạn dễ biến thành cỗ máy nghiện việc hoặc là nô lệ bị công việc sai khiến không cách nào thoát được. Thường xuyên về nhà muộn, bạn mất dần sự gắn bó, xao nhãng trách nhiệm và không làm tròn cam kết với người thân. Sẽ không còn các kỳ nghỉ hay những chuyến du lịch, bạn thậm chí vắng mặt trong hầu hết buổi họp mặt hay sự kiện gia đình. Mức lương cao của bạn giúp bố mẹ, vợ con sống sung túc, nhưng cũng chính số tiền hậu hĩnh đó cuốn bạn ra xa gia đình đến nỗi không thể hàn gắn. Đổ vỡ tổ ấm chính là điều đáng tiếc nhất mà áp lực công việc có thể gây ra cho một người. Dẫu biết trước như vậy, nhưng không phải ai cũng thành công bước qua.
Sẽ có thời điểm nào đó, bạn cảm thấy vô vị khi nhìn vào số dư tài khoản cứ liên tục tăng lên còn mình lại chẳng biết nên làm gì với nó. Điều này nghe có vẻ hão huyền vì khó xảy ra, nhưng lại hoàn toàn là sự thật. Nhiều người từng chia sẻ rằng, cho đến một ngày khi mọi nhu cầu sinh hoạt, thư giãn, giải trí cá nhân đều dễ dàng được đáp ứng, họ lại rất nhớ những ngày xưa khi bản thân không ngừng cố gắng và đặt ra những mục tiêu về tài chính. Con người là một sinh vật nên được vận động liên tục, không thiếu thứ gì và không cần làm gì khiến ta rơi vào trạng thái trống rỗng.
Nói một cách khái quát, tiền vẫn luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu chi phối cuộc sống mỗi con người. Tuy nhiên, khi nhắc đến việc lựa chọn nghề nghiệp lâu dài thì bạn cần dành thời gian phân tích thấu đáo và đánh giá cẩn thận để đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai.
Lương cao hay thấp đều có điểm mạnh và mặt trái của nó. Đừng cho rằng bài viết này là viễn cảnh u ám được vẽ ra nhằm khiến bạn sợ hãi, an phận hay bỏ cuộc. Hãy xem đây là lời cảnh báo: Bạn phải hiểu bản thân, biết tự lượng sức và chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi bước vào các cuộc chơi lớn. Nỗ lực phấn đấu là hình ảnh rất đẹp, nhưng đừng bao giờ để thắng lợi tài chính ban đầu có điều kiện trở thành thủ phạm khiến bạn rơi vào các vấn đề nghiêm trọng về thể chất lẫn tâm thần.
Chỉ có bạn mới quyết định được mình nên chấp nhận lời mời làm việc trả lương rất rất cao hay không. E ngại đôi khi cũng chỉ là một cảm giác, đừng để nó đánh lừa! Cũng như lương cao nhiều lúc lại chính là cạm bẫy, nó không giá trị như bạn tưởng. Không có cuộc sống gia đình, sức khoẻ ngày càng xuống cấp vì các áp lực liên tục gia tăng đâu phải là tương lai mà bạn muốn? Hãy tỉnh táo đánh giá các khía cạnh, đặt nó lên bàn cân rồi bạn sẽ có câu trả lời thích đáng. Nếu vẫn muốn sở hữu mức lương ngày càng cao hơn thì bạn phải sẵn sàng làm việc chăm chỉ một cách có chiến lược để mở rộng thái độ, năng lực và khả năng hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
careerviet chúc các bạn sẽ có nhiều dũng khí để dấn thân nhưng duy trì đủ tỉnh táo để biết đâu là một “gói lương cao” đáng nắm bắt hay nên buông bỏ.
Nguồn ảnh: Internet