Chuyển ngành phải chấp nhận mức lương thấp hơn?

“Lương cho công việc mới của tôi phải cao hơn hiện tại” chắc hẳn luôn là tâm lý chung của hầu hết người đi làm. Tất nhiên lý do là chúng ta đều muốn tiến bộ hơn từng ngày. Và đã bỏ công thay đổi việc làm thì thu nhập cũng phải tăng để bù cho các rủi ro và nỗ lực mới!

Số đông là thế, tuy nhiên đôi khi bạn vẫn thấy có người quyết định ra đi với mức lương thấp hơn. Một trong số các tình huống đó xuất phát từ lý do chuyển đổi ngành nghề. Nhiều bạn từng đối mặt với câu hỏi: Chuyển ngành thì tôi phải chấp nhận mức lương thấp hơn? Sau tất cả, bạn đã làm đúng không và lựa chọn đó có khiến bạn hài lòng? Cùng careerviet tìm hiểu về vấn đề này ngay bây giờ nhé!

Chuyển ngành phải chấp nhận mức lương thấp hơn?

Có người nói rằng, chuyển ngành là sự kiện thay đổi công việc phức tạp gấp đôi so với chuyển việc. Điều này cũng có lý, khi chuyển việc nghĩa là bạn tiếp tục cống hiến khả năng chuyên môn cho một công ty khác, thì chuyển ngành thường sẽ gồm cả đổi công ty và chuyển sang lĩnh vực mới. Dù khó khăn là vậy nhưng thực tế cho thấy, mỗi ngày vẫn có rất nhiều người quyết định chuyển ngành để tìm kiếm thành công.

Vậy điều gì thôi thúc một người thay đổi ngành nghề?

Có 6 lý do phổ biến nhất thường được đề cập:

Sau thời gian thực tế, bạn nhận ra mình đã chọn sai ngay từ đầu, bạn không đáp ứng được những đòi hỏi của nghề và công việc không khiến bạn thoả mãn.

Các mối quan tâm, đam mê và động lực với công việc đã biến mất, cảm giác buồn chán ập đến mỗi ngày.

Áp lực và tần suất công việc đốt cháy bạn, khiến cơ thể mệt mỏi, kiệt sức đồng thời tinh thần không còn vui vẻ nữa.

Bạn khám phá ra tiềm năng thu nhập rất cao của một ngành nghề thú vị khác khi cảm xúc với công việc hiện tại đã bão hoà.

Công nghệ thay đổi, xã hội phát triển gây tác động đến ngành nghề, thúc đẩy bạn thay đổi ngành nhằm thích nghi xu hướng.

Có sự kiện quan trọng xảy ra trong cuộc đời (như kết hôn, sinh con…) làm thay đổi suy nghĩ hoặc ảnh hưởng đến tình trạng cá nhân, buộc bạn điều chỉnh nghề nghiệp.

Dù lý do là gì, điểm chung trong các quyết định chuyển ngành đều là tâm lý hi vọng và sẵn sàng chinh phục chặng đường mới. Bạn muốn được thử sức, muốn có môi trường làm việc tốt hơn với nhiều phúc lợi hấp dẫn hơn và tìm được đam mê gắn bó lâu bền hơn.

Thách thức và rủi ro khi chuyển ngành

Sự thông minh, nhạy bén và khả năng thích ứng nhanh với môi trường là điểm cộng cho những người gia nhập ngành mới. Ai đã có kỹ năng tương đồng dễ chuyển đổi và kiến thức nền liên quan đến lĩnh vực mới thì nhiệm vụ dễ dàng hơn đôi chút. Nhưng tất cả đều sẽ phải nỗ lực rất lớn mới có thể làm lại từ đầu, học lại mọi thứ và vượt qua hết những thách thức.

Khi chuyển ngành, bạn không chỉ phải giải quyết các khó khăn mà còn phải chuẩn bị đối mặt với rủi ro. Nhiều người thì canh cánh nỗi sợ rằng liệu mình có tiếp tục lựa chọn sai mối quan tâm. Số khác cảm thấy sụp đổ khi kỳ vọng làm tốt hơn bị đè bẹp bởi sự bỡ ngỡ, lạc lõng và cô lập vì không thể hoà nhập hay không được chào đón. Không ít người lại vỡ mộng và căng thẳng hơn xưa bởi thu nhập sụt giảm đột ngột ảnh hưởng đến khả năng chi trả cho các nhu cầu cuộc sống.

Bạn có nhận ra nghịch lý đang tồn tại không? Kiếm được nhiều tiền hơn là 1 trong 6 lý do khiến vô số người chuyển nghề, thế nhưng mức lương thấp hơn đôi khi lại là điều kiện nhiều người phải chấp nhận nếu muốn chuyển nghề. Vì bạn thiếu hụt kỹ năng và chưa có kinh nghiệm. Trong khi chờ phân tích xem điều đó hợp lý không, hãy tự hỏi bao nhiêu người sẽ đồng ý nhập mức lương thấp hơn để làm việc với nhiều sự cố gắng hơn!

Cơ hội khi chuyển ngành

Nên dẹp bớt những lo lắng và thất vọng trước thực tế khó khăn mà dành cho “yêu cầu lương thấp” thêm chút công bằng! Khi nhà tuyển dụng tìm kiếm nhân sự mới họ đàm phán mức lương trên giá trị năng lực và tiềm năng đáp ứng công việc của bạn, đây là sự hợp tác sòng phẳng. Bạn không thể đòi hỏi được trả lương cho những kiến thức chuyên môn dồi dào từng tích luỹ trước đây khi không có cơ hội sử dụng. Còn nếu những trải nghiệm đã có trong quá khứ có thể đóng góp cho công ty, bằng cách này hay cách khác, đừng ngần ngại chứng minh nó để thuyết phục nhà tuyển dụng và nâng tầm mình lên nhé!

Ở góc độ người lao động, hãy suy nghĩ khái quát! Bạn đâu chỉ nhận từ công việc mới số tiền lương hàng tháng? Những kiến thức, trải nghiệm và cơ hội phát triển nghề nghiệp trong tương lai cần được định giá. Thế nên, nếu cân nhắc mức lương mới là thấp hay cao so với mức cũ, nhất định phải bao gồm cả những lợi ích và giá trị này! Đánh giá toàn bộ thu nhập và quyền lợi, thay vì chỉ lương sẽ khiến bạn có cái nhìn toàn diện và cảm giác dễ chịu hơn.

Thêm vào đó, tin vui là không phải lúc nào chuyển nghề lương cũng thấp. Rất nhiều ngành nghề ‘hot” sở hữu mức lương cực hấp dẫn. Quan trọng là bạn có đủ nguồn thông tin đáng tin cậy để tham khảo xem mức lương trung bình doanh nghiệp trong ngành đó sẵn sàng chi cho các vị trí nhân sự là bao nhiêu, rồi từ đó cân nhắc hướng đi mới của mình. Các báo cáo lương có thể giúp bạn giải quyết yêu cầu này, không chỉ chia sẻ báo báo về thang lương thị trường ngoài ra một số còn cung cấp miễn phí công cụ đo lường mức lương thực tế cho từng cá nhân theo vị trí, ngành nghề, cấp bậc. Nếu mức lương trung bình của ngành mới cao hơn hoặc bằng thì rất tốt, nếu thấp thì tỷ lệ thấp hơn là bao nhiêu, bạn đã có cơ sở để xem xét có nên chấp nhận đánh đổi trong một thời gian để "lùi một bước, tiến hai bước" về sau không.

Thử thách khi chuyển ngành đôi khi cũng chính là cơ hội, vấn đề lương khi chuyển ngành nhiều lúc sẽ khiến bạn đau đầu. Nhưng hãy đừng quá lo lắng, careerviet tin rằng bạn sẽ phân tích thấu đáo và đưa ra quyết định đúng đắn cho trường hợp của mình. Chỉ cần có đủ thông tin, góc nhìn phù hợp cùng sự thận trọng, bạn sẽ chọn được cho mình một ngành nghề thích hợp nhất để theo đuổi. Hi vọng rằng bài viết đã góp thêm một góc nhìn tham khảo hữu ích. Chúc các bạn nhiều thành công và sớm sở hữu một mức lương cao như mong đợi!

(Nguồn hình: Internet)

 

Jobs List

createComments
Send me similar jobs
Create job alert