Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, cần xác định rõ hơn nữa trách nhiệm từng cấp, từng ngành, từng cá nhân trong từng lĩnh vực nhằm khắc phục tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm; đồng thời đẩy nhanh hơn nữa lộ trình cải cách tiền lương, đảm bảo cho cán bộ, công chức được tăng dần mức sống, yên tâm công tác.
Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại công sở ở Hà Nội.
Ngày 6.9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tư pháp tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 10. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì và điều hành Phiên họp.
Tham dự Phiên họp có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp và các Ủy viên; đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ và các đơn vị hữu quan.
Đề cập thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2023, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, làm rõ những bất cập trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đấu thầu, mua sắm tài sản công, thuế, bảo hiểm, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đăng kiểm xe cơ giới, đào tạo và sát hạch lái xe, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phiếu lý lịch tư pháp và các lĩnh vực khác dễ phát sinh tham nhũng để kịp thời hoàn thiện bất cập về mặt chính sách nhằm hạn chế các đối tượng lợi dụng trục lợi.
Đồng thời, cũng hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan để tháo gỡ vướng mắc nhất là việc quản lý, sử dụng tài sản công, nhằm phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước và đảm bảo quyền lợi của người dân, doanh nghiệp.
Uỷ ban Tư pháp cũng đề nghị xác định rõ hơn nữa trách nhiệm từng cấp, từng ngành, từng cá nhân trong từng lĩnh vực nhằm khắc phục tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm; đồng thời đẩy nhanh hơn nữa lộ trình cải cách tiền lương, đảm bảo cho cán bộ, công chức được tăng dần mức sống, yên tâm công tác.
Trước tình trạng gia tăng của tội phạm và dự báo tình hình kinh tế, xã hội thời gian tới còn nhiều khó khăn, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành hữu quan cần đưa ra những giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm.
Đối với việc ban hành chính sách, đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo cơ quan tham mưu, soạn thảo tăng cường tổng hợp, đánh giá tác động, lấy ý kiến của đối tượng bị tác động, để đảm bảo các chính sách được ban hành có chất lượng, tránh tình trạng chính sách được ban hành có những điểm còn gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và tạo kẽ hở để xảy ra hành vi tiêu cực.
Tham gia trao đổi tại phiên họp, Đại biểu Vũ Trọng Kim (Đoàn Nam Định) cho rằng, tình hình tội phạm gia tăng trong năm 2023 có nguyên nhân, trong đó phải kể đến tình hình kinh tế-xã hội bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 khiến tình trạng thất nghiệp trong bộ phận nhân dân cũng tăng theo.
Để kịp thời ngăn chặn tình trạng này, đại biểu Vũ Trọng Kim đề nghị các cơ quan, Bộ ngành cần siết chặt lại các biện pháp phòng chống tội phạm. Song song với đó là tăng cường thực hiện các giải pháp để giải quyết việc làm, giảm thiểu số người thất nghiệp hoặc gián đoạn công việc.
Liên quan tới nội dung về cải cách tiền lương, tại Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, báo cáo Quốc hội lộ trình cải cách chính sách tiền lương tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV sẽ diễn ra vào tháng 10.2023.
Tại Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 10.7.2023, Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan báo cáo cấp có thẩm quyền về lộ trình cải cách chính sách tiền lương và việc bố trí kinh phí ngân sách nhà nước cho cải cách chính sách tiền lương giai đoạn sau năm 2023.
Dự kiến, trong quý III/2023, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Chính phủ tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo Cải cách chính sách tiền lương năm 2023. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quý III của Bộ Nội vụ.