Đây cũng là ngành học đang có sức hút lớn, được nhiều thí sinh ưu tiên lựa chọn nên sở hữu mức điểm chuẩn "không phải dạng vừa".
Trong bối cảnh sức hút của ngành Marketing ngày càng tăng, đặc biệt là trong lòng các bạn trẻ tràn đầy năng lượng và sự sẵn lòng khám phá, ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT đã có những nhận định khái quát về tương lai của ngành này. Ông dự đoán rằng, Digital Marketing và Content Marketing sẽ trở thành hai lĩnh vực nghề nghiệp "nóng" nhất đối với thị trường lao động vào năm 2030.
Dự đoán này được ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ trong buổi tọa đàm của chương trình "Cơ Hội Cho Ai?" tổ chức tại Đại học Quốc tế Hồng Bàng (TP. HCM). Đồng thời, ông cũng nêu rõ về những thách thức và cơ hội mà hai lĩnh vực này mang lại.
Trên nền tảng của cuộc trò chuyện xoay quanh tương lai của thị trường lao động, đặc biệt là trong bối cảnh sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo, ông Tiến đã nêu rõ quan điểm về sự quan trọng của Digital Marketing và Content Marketing trong thời đại đầy thách thức của năm 2030.
Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT chia sẻ về một trải nghiệm thú vị khi yêu cầu các sinh viên tạo nội dung về quảng cáo trà sữa, sau đó cũng đặt câu hỏi tương tự cho ChatGPT phiên bản 3.5. Kết quả là các sinh viên đều thua ChatGPT, bởi theo ông Tiến, ứng dụng này đã lấy content của khoảng vài nghìn chương trình quảng cáo về trà sữa trên thế giới để tổng hợp ra một video.
"Tôi nghĩ rằng đây là một thách thức thực sự đối với các bạn trẻ. Nếu không thể tự mình suy nghĩ độc lập, các bạn sẽ dần trở nên bình thường và mất đi điều đặc biệt của bản thân. Nhưng nếu bạn thật sự xuất sắc, không có trí tuệ nhân tạo hoặc ChatGPT nào có thể thay thế được vị thế của bạn," ông Tiến nhấn mạnh.
Để giúp thế hệ Gen Z phát triển khả năng suy luận và tư duy độc lập, giữa những áp lực từ mạng xã hội và tinh thần đám đông, ông Tiến đã chia sẻ một số lời khuyên quý báu. "Để đánh giá một cá nhân, chúng tôi đặt nặng 5 tiêu chí. Thứ nhất là tố chất, tố chất là do trời sinh. Thứ hai là phẩm chất do rèn luyện, ví dụ như đúng giờ là một phẩm chất. Thứ ba là kiến thức do học tập. Thứ tư là năng lực do thử thách. Có những người đến năm 50 tuổi không có năng lực nào hết. Thứ năm là kinh nghiệm do thời gian", ông giải thích.
Trong bối cảnh công nghệ phát triển, việc tư duy độc lập và sáng tạo vẫn là yếu tố không thể thay thế và giúp người lao động duy trì chỗ đứng tốt trên thị trường.
Thách thức sẽ luôn song hành với cơ hội, tuy tỷ lệ cạnh tranh tăng cao khi AI ngày càng phát triển, nhưng những ai giỏi, nổi bật hẳn thì luôn có chỗ đứng tốt và sẽ nhận được mức thu nhập hậu hĩnh trong ngành.
Theo báo cáo mới nhất từ Thị trường Tuyển dụng 2023 - 2024 của TopCV, Marketing đang tỏ ra là một trong những lựa chọn hàng đầu mà các doanh nghiệp Việt Nam ưu tiên tuyển dụng trong năm 2024.
Trước đó, Salaryexplorer đã tiến hành một cuộc khảo sát chi tiết về "Mức lương trung bình trong ngành Marketing tại Việt Nam năm 2023". Theo nghiên cứu này, mức lương cho các vị trí trong lĩnh vực Marketing tại Việt Nam dao động từ 8,9 triệu đồng (mức lương trung bình khởi điểm) đến 32 triệu đồng (mức lương trung bình tối đa, tuy nhiên mức lương tối đa thực tế có thể cao hơn). Số liệu này đã tính toán cẩn thận, bao gồm các chi phí như lương nhà, phương tiện đi lại và các quyền lợi khác. Sự khác biệt lớn về mức lương có thể thấy rõ giữa các lĩnh vực, vị trí và cấp bậc trong ngành.
Ngoài ra, thu nhập trung bình trong lĩnh vực Marketing tại Việt Nam được đánh giá ở mức 18,5 triệu đồng. Điều này chỉ ra rằng một phần lớn người lao động trong ngành này kiếm được ít hơn con số này, trong khi một phần khác kiếm được nhiều hơn.
Xét theo vị trí cụ thể là Marketing Manager, VietnamSalary đã tổng hợp dữ liệu từ 262 mẫu việc làm đăng tuyển để thống kê mức thu nhập trung bình lên tới 35,4 triệu đồng/tháng. Trong đó, mức thu nhập trung bình thấp là 28,8 triệu VNĐ; thấp nhất là 10 triệu đồng; trung bình cao là 42 triệu đồng và cao nhất là 115 triệu đồng mỗi tháng.
Dữ liệu theo tổng hợp của VietnamSalary.
Mức lương vị trí Marketing Manager cũng có sự thay đổi đáng kể theo kinh nghiệm cá nhân: Từ 1-4 năm kinh nghiệm trung bình là 30,1 triệu đồng dựa trên 91 mẫu; từ 5-9 năm kinh nghiệm trung bình là 37,7 triệu đồng dựa trên 156 mẫu; và từ 10 - 19 năm kinh nghiệm mức lương trung bình đạt 42,8 triệu đồng mỗi tháng (dựa trên 20 mẫu).
Dữ liệu theo tổng hợp của VietnamSalary.
Trong bối cảnh ngành Marketing trở nên "hot", mức điểm chuẩn để được vào các trường đào tạo hàng đầu về ngành này đã đạt mức rất cao.
Chẳng hạn, từ năm 2021, điểm chuẩn của ngành này tại NEU đã là 28,15 điểm, sau đó giảm nhẹ xuống 28 điểm vào năm 2022. Tới kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, ngành Truyền thông Marketing (hệ POHE) tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã đạt điểm chuẩn cao nhất trong số tất cả các ngành, với con số 37,1 điểm khi áp dụng mức thang 40 điểm của trường.
Tại Đại học Kinh tế TP.HCM, điểm chuẩn cho ngành Marketing đã duy trì ở mức 27,5 điểm trong ba năm liền từ 2020 đến 2022. Sau đó vào năm 2023, điểm chuẩn cho ngành này đã giảm nhẹ còn 27 điểm, tức là học sinh vẫn phải đạt tối thiểu 9 điểm cho mỗi môn thi để có cơ hội trúng tuyển.