Chúng ta vẫn thường chia sẻ với nhau về những viễn cảnh tương sáng hoặc hi vọng lạc quan trong hành trình tìm việc và xây dựng sự nghiệp. Nhưng trong bài viết ngày hôm nay, careerviet sẽ làm khác đi một chút bằng cách nói về sự thất vọng của dân công sở qua chủ đề chính là: “Đánh giá điều chỉnh lương: Sếp còn nhớ hay sếp đã quên”. Mời bạn cùng theo dõi nhé!
Có rất nhiều tình huống và nguyên nhân khác nhau khiến một nhân viên được công ty hứa rằng “sẽ xem xét tăng lương cho anh/chị trong thời gian tới”, nhưng nhìn chung sẽ rơi vào 2 trường hợp phổ biến sau:
- Khi bạn đã làm việc được một thời gian dài và cảm thấy mất hết động cơ thúc đẩy vì công ty không có chế độ đánh giá tăng lương hàng năm, nên bạn phải chủ động đề nghị được tăng lương. Diễn biến tiếp theo chắc hẳn không xa lạ với nhiều người. Bạn nhận lại vài lời giải thích và được đề nghị hãy chờ thêm một thời gian nữa. Vì quá trình gắn bó đã qua, hầu hết người đi làm sẽ chấp nhận lời hứa.
- Trường hợp thứ hai, đó là khi bạn cảm thấy bão hoà với môi trường hiện tại nên tiếp cận các cơ hội việc làm mới đến. Tuy nhiên, dù công việc mới khiến bạn khá hài lòng nhưng mức lương không như mong đợi (nghĩa là chỉ bằng hoặc thập chí thấp hơn mức lương ở công ty cũ). Để thuyết phục bạn gia nhập, công ty mới hứa rằng “sẽ đánh giá lại lương sau một thời gian thử thách”.
Vấn đề chúng ta đề cập ở đây không phải là lời hứa tăng lương, mà xa hơn một chút chính là kết quả thực tế sau những lời hứa đó: Sự chờ đợi và thất vọng. Không thể phủ nhận số lượng nhân viên bị “hứa suông” nhiều không kể xiết. Đây lại là một nỗi buồn không nên tồn tại.
Nếu không muốn những cảm xúc tiêu cực đó xuất hiện trong hành trình sự nghiệp cũng như đảm bảo cho kế hoạch phát triển thu nhập của bản thân không bị gián đoạn, hãy tham khảo một số gợi ý sau đây của careerviet!
Chỉ nên chuyển sang một công việc mới khi bạn đã sẵn lòng và thực sự chấp nhận mọi điều kiện và quyền lợi tương ứng ngay thời điểm hiện tại. Bạn có thể nhận một công việc với mức lương không tăng, bạn có thể thông cảm chờ đợi công ty cải thiện tình hình tài chính sau 6 tháng nữa, bạn có thể tiếp tục phấn đấu chứng minh năng lực làm việc… Mọi khả năng đều có thể, nếu bạn không thấy trăn trở hay bất bình về nó.
Nhưng đừng bao giờ tin tuyệt đối vào những “dự định tương lai” dù cho đó là lời hứa miệng hay email chính thức. Khả năng xảy ra điều tốt đẹp đó vẫn nằm ở tương lai, trong khi cảm xúc và nhu cầu cuộc sống của bạn đang diễn ra trong hiện tại, bạn phải được đáp ứng ngay lúc này. Cốt lõi vấn đề không phải là bạn đã nhận nhiều hay ít, mà là vì chúng ta sẽ thu xếp cuộc sống và nhu cầu của mình theo những gì mình tin là “tôi sẽ nhận được”, “đó là của tôi”. Tin vào những lời hứa giống như chuyển quyền quản lý cảm xúc của mình sang cho một người khác. Và khi họ chưa kịp đáp ứng hay lỡ hẹn thì tâm trạng của bạn sẽ tụt dốc ngay lập tức. Không quá kỳ vọng sẽ không bị thất vọng.
Chúng ta không xem nhẹ những kế hoạch, nhưng nên cân nhắc nó dưới góc độ như một động lực để phấn đấu chứ không phải là lý do quyết định. Đặc biệt trong trường hợp, chuyển việc mới đi kèm với nguy cơ đánh đổi sự ổn định và an toàn của sự nghiệp. Xác định rõ điều này, bạn sẽ không bao giờ đẩy mình vào cảm xúc thất vọng và cũng không phải trách móc sếp dù nguyên nhân thất hứa là cố tình hay bị tác động.
Bạn phải chủ động làm những công việc cần thiết nhằm đảm bảo lời hứa tăng lương không bị “mờ dần rồi quên lãng”. Dù là trong công việc cũ hay đã tiếp nhận công việc mới, hãy đặt ra những mục tiêu cụ thể để chứng minh năng lực và hiệu suất làm việc tốt nhất có thể. Thỉnh thoảng nhắc lại với quản lý trực tiếp lẫn nhân sự về lộ trình tăng lương này trong những tình huống và không gian phù hợp. Lập đi lập lại điều này nhiều lần để nó phải là một quyết định chính thức đã được lên kế hoạch, và cũng là một hạng mục mà hiển nhiên sếp phải xem xét khi đến hạn.
Mặc dù bạn đang rất bực tức, muốn phàn nàn hoặc tỏ thái độ về việc chưa được tăng lương, nhưng vẫn nên kiềm chế bản thân và duy trì sự chuyên nghiệp. Những hành động bốc đồng, đạp đổ hay mang tính gây hấn đều không mang lại kết quả tốt đẹp nào cả. Dáng vẻ trầm tĩnh và cách ứng xử thấu tình đạt lý khi trao đổi về lương bổng sẽ nói lên rất nhiều điều về bạn, nó khiến công ty phải trân trọng bạn hơn.
Nếu chẳng may thời hạn tăng tương của bạn đã bị bỏ lỡ quá lâu, hãy cố gắng sắp xếp sớm một cuộc gặp trực tiếp với người quản lý. Bạn được quyền hỏi về một “phần thưởng” mà mình đã được hứa hẹn chính thức.
Hãy làm rõ lý do vì sao bạn chưa được tăng lương. Lắng nghe thật kỹ mọi chi tiết với tinh thần cầu thị và thông cảm. Sau đó, bạn nên trình bày về những nguyện vọng, mong đợi và kế hoạch riêng của mình. Giúp cho người đại diện công ty biết được sự thất hứa này đã ảnh hưởng và tác động ra sao đến bạn. Sau tất cả, bạn xứng đáng có được sự phản hồi và trả công tương xứng.
Trong trường hợp, vì những lý do bất khả kháng mà công ty chưa thể áp dụng ngay việc tăng lương, hai bên hãy cố gắng cùng nhau trao đổi về những giải pháp thay thế. Có thể áp dụng thêm phúc lợi hay ưu đãi khả thi nào (chẳng hạn như nghỉ phép, làm việc từ xa,…) để tạm thời bù đắp cho bạn hay không. Cách giao tiếp là chìa khoá quan trọng nhất trong giai đoạn này. Hãy tỏ ra lịch sự, hiểu biết và thiện chí!
Trong mọi trạng thái của công việc, dù suôn sẻ hay sóng gió, mỗi người vẫn nên duy trì sẵn cho mình hồ sơ cá nhân thật chỉn chu và mạnh mẽ, song song với việc xây dựng mạng lưới quan hệ nghề nghiệp ổn định và bền vững. Nó có thể giúp bạn giữ được thế chủ động cả khi đang thuận buồm xuôi gió hoặc lúc muốn tìm kiếm bến đỗ mới trong công việc.
Tình huống xấu nhất trong câu chuyện chúng ta đang đề cập chính là, sau cuộc trò chuyện, bạn nhận ra rằng công ty quả thực không đánh giá cao những đóng góp của bạn, hoặc họ chỉ hứa hẹn nhằm mục đích lôi kéo và giữ chân người lao động, hoặc họ sẽ không thể tăng lương như đã cam kết trong khoảng thời gian dài sắp tới. Lời khuyên dành cho bạn chính là, dù muốn dù không, hãy khởi động lại quá trình tìm việc!
Bạn phải là người chủ động tạo ra phương án thoát thân. Không thể cứ ngồi lại ở một nơi không nhìn thấy tương lai hoặc gắn bó với ông chủ không có đủ sự đối đãi tử tế và kế hoạch phát triển lành mạnh cho nhân viên. Hãy gia nhập vào những môi trường làm việc có văn hoá tích cực hơn, thay vì cố nhẫn nhịn trong tâm trạng oán giận. Tin chắc rằng thị trường ngoài kia luôn có những công việc thực sự thích hợp với đãi ngộ tương xứng hơn dành cho bạn.
Nguồn hình: Freepik