(NLĐO) -Theo Luật BHXH (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, tuổi hưởng trợ cấp hưu trí hạ xuống còn 75
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-7-2025 với nhiều thay đổi quan trọng. Trong đó có việc giảm độ tuổi nhận trợ cấp hưu trí.
Cụ thể, tại Điều 21 về đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, quy định, công dân Việt Nam được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi có đủ các điều kiện, bao gồm: từ đủ 75 tuổi trở lên; không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp BHXH hàng tháng, trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ; có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Luật BHXH (sửa đổi) hạ độ tuổi nhận trợ cấp hưu trí xuống còn 75
Công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đáp ứng đủ các điều kiện (không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp BHXH hàng tháng; có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội) thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Mức trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách Nhà nước từng thời kỳ. Định kỳ 3 năm, Chính phủ thực hiện rà soát, xem xét việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội.
Như vậy, một số trường hợp được nhận trợ cấp hưu trí xã hội từ đủ 70 tuổi khi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đáp ứng đủ các điều kiện.
Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước có hơn 3,35 triệu người đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và 361.590 người đang hưởng kinh phí hỗ trợ chăm sóc hằng tháng.
Mức trợ cấp xã hội đang áp dụng với người trên 80 tuổi là 500.000 đồng/tháng và có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 theo Nghị định 76/2024/NĐ-CP. Khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, nhóm người cao tuổi đang hưởng trợ cấp xã hội hiện nay sẽ được chuyển sang nhận trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước bảo đảm, phù hợp với Luật BHXH sửa đổi.
Người lao động