Việc bổ sung các nhóm đối tượng vào diện tham gia BHXH bắt buộc cần tính toán kỹ, đáp ứng được nhu cầu của người tham gia
Theo đề xuất tại dự thảo Luật BHXH (sửa đối), trường hợp không giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên sẽ phải tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động (NLĐ). Đề xuất này đang nhận được nhiều sự quan tâm, nhất là những NLĐ đang làm việc cho các nền tảng công nghệ.
Ông Phạm Mi Sên, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Xe ôm công nghệ (thuộc LĐLĐ quận Bình Tân, TP HCM), cho biết hiện nay có nhiều người chọn việc chạy xe công nghệ là nghề chính, gắn bó nhiều năm. Tài xế xe công nghệ phải làm việc trong môi trường nắng nóng, nặng nhọc và đối mặt với nhiều nguy cơ, rủi ro.
Tính chất công việc không khác gì những NLĐ làm việc trong những ngành nghề khác, song vì là loại hình lao động mới theo xu thế phát triển của công nghệ và được các công ty cung cấp công nghệ gọi tên là "đối tác" nên không được tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Cũng theo ông Sên, tài xế công nghệ có đủ đặc điểm của NLĐ theo khái niệm của Bộ Luật Lao động (BLLĐ) năm 2019. Cụ thể, giữa các công ty cung cấp công nghệ và tài xế xe công nghệ có ký hợp đồng. Dù có tên gọi khác nhưng có thể hiện sự quản lý, điều hành của doanh nghiệp (DN). Bên cạnh đó, NLĐ còn bị chế tài, chẳng hạn khi bị khách hàng đánh giá không tốt, tài xế có thể bị khóa app, đuổi việc, tương tự với hình thức kỷ luật sa thải.
Tài xế xe công nghệ mong được tham gia BHXH, BHYT
Về yếu tố "có trả lương" thì dù phía công ty cung cấp công nghệ không trực tiếp trả lương cho tài xế, nhưng việc tự định tỉ lệ chiết khấu trả cho tài xế theo cam kết trong hợp đồng hợp tác kinh doanh cũng mang bản chất của tiền lương theo quy định của Bộ Luật Lao động. "Dù có đầy đủ đặc điểm nhưng vì chưa có quy định cụ thể trong luật dẫn đến tài xế xe công nghệ không được DN xem là NLĐ, do vậy, cần có quy định cụ thể hơn để họ tham gia hệ thống an sinh" - ông Sên bày tỏ.
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội, hiện nay Việt Nam đang và sẽ tiếp tục triển khai các mô hình kinh tế mới, như kinh tế nền tảng công nghệ, kinh tế chia sẻ (GIG), kinh tế số, xã hội số... dẫn đến xuất hiện nhóm NLĐ mới (lao động công nghệ, lao động tự do trong nền kinh tế GIG, lao động làm việc từ xa...). Các đối tượng này sẽ có đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế và thị trường lao động.
Tuy nhiên, tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) chưa thể hiện rõ họ thuộc nhóm đối tượng áp dụng BHXH bắt buộc hay không. "Nhóm lao động này đa số còn trẻ, có thu nhập khá tốt và mong muốn được tham gia BHXH. Nếu thu hút được nhóm đối tượng này, bên cạnh việc bảo đảm an sinh cho họ sẽ góp phần tăng diện bao phủ của BHXH, giảm gánh nặng ngân sách cho chính sách hưu trí xã hội" - bà Hương nói.
Ngoài trường hợp trên, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cũng đề xuất bổ sung tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm đối tượng khác gồm: chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; người quản lý DN, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của DN tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành HTX không hưởng tiền lương; NLĐ làm việc không trọn thời gian.
Luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, cho hay thực tế hiện nay, nhiều thành viên quản trị của HTX ở cơ sở là nông dân, tham gia BHXH tự nguyện và được nhà nước hỗ trợ. Nay vì tham gia là thành viên Ban Kiểm soát của HTX, dù không hưởng lương nhưng lại phải đóng BHXH bắt buộc là không hợp lý.
Mặt khác, việc đưa các nhóm đối tượng (người quản lý DN, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của DN tại công ty và công ty mẹ, thành viên HĐQT, tổng giám đốc, giám đốc, thành viên ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của HTX, liên hiệp HTX không hưởng tiền lương...) cũng chưa bao quát được hết các đối tượng là chủ DN mà không được hưởng lương bởi theo quy định pháp luật hiện hành còn có các đối tượng như chủ DN tư nhân, chủ công ty hợp danh mà không có thành viên góp vốn...
Mặt khác, cũng theo dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), các đối tượng này nếu đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 điều 169 của BLLĐ và không có thời gian đóng BHXH thì không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Như vậy, nếu đối tượng trên chưa đủ tuổi nghỉ hưu nhưng đã lớn tuổi (không có thời gian đóng BHXH trước đó) khi bắt đầu tham gia từ tháng 7-2025 (dự kiến Luật BHXH mới có hiệu lực) sẽ không có đủ thời gian đóng để hưởng lương hưu.
Ông Phạm Phú Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, nhìn nhận nhóm NLĐ làm việc không trọn thời gian, theo chế độ linh hoạt (ca sĩ, nhạc sĩ, YouTuber, TikToker, Freelancer…) hiện tăng lên rất nhiều. Họ có thu nhập cao và có nộp thuế thu nhập cá nhân. Hiện nay, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có quy định NLĐ làm việc không trọn thời gian, có mức tiền lương tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, thì đóng theo mức thấp nhất quy định tại điểm e, khoản 1, điều 30. Tuy nhiên, đối tượng này không theo chế độ lương, mà làm việc theo thỏa thuận của từng công việc.
Bà Phạm Thị Kiều, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông, băn khoăn việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Bởi hiện nay, phụ cấp hằng tháng cho các đối tượng này rất thấp, nếu phải trích nộp BHXH thì phần thực nhận của họ còn thấp hơn. Trong khi đó, số lượng đối tượng này trên cả nước rất lớn nên phần ngân sách nhà nước chịu trách nhiệm đóng cũng không nhỏ. Vì vậy, bà Kiều đề nghị cơ quan soạn thảo cần có đánh giá, phân tích kỹ về khả năng bảo đảm ngân sách cho các đối tượng này.
Người lao động