Cần cải thiện chính sách hưu trí

Để thu hút người lao động ở lại hệ thống an sinh lâu dài, điều quan trọng nhất là tạo được niềm tin và sự đồng thuận của họ đối với chính sách BHXH

Gần đây, tại Công ty TNHH Freetrend Industrial Việt Nam (KCX Linh Trung I, TP Thủ Đức, TP HCM), nhiều người lao động (NLĐ) làm đến 12 năm đã xin nghỉ để hưởng trợ cấp thất nghiệp và chờ 1 năm rút BHXH. Việc này đẩy doanh nghiệp (DN) vào tình trạng thiếu lao động. Theo tìm hiểu, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do NLĐ không kỳ vọng vào lương hưu.

Bất an với lương hưu

Ông Nguyễn Ngọc Dựng, Trưởng Phòng Quan hệ lao động Khu Sản xuất đế giày - Công ty TNHH Freetrend Industrial Việt Nam, cho hay đa số công nhân (CN) đi làm khi còn rất trẻ nên chưa nghĩ đến những lợi ích lâu dài. 

"Qua tiếp xúc CN, tôi thấy đa số lo lắng vì lương hưu hiện quá thấp. Có người chỉ nhận được lương hưu trên dưới 2 triệu đồng/tháng thì làm sao sống được? Do vậy, họ chọn rút BHXH một lần" - ông giải thích.

Ông Dựng đồng tình với kiến nghị lao động nam đóng BHXH bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu, nghỉ hưu trước tuổi dưới 6 tháng thì không giảm tỉ lệ phần trăm hưởng lương hưu. Theo ông, nếu NLĐ đóng BHXH đủ 15 năm được hưởng lương hưu sẽ khuyến khích họ ở lại hệ thống an sinh nhiều hơn. Tuy nhiên, với 15 năm đóng BHXH thì lương hưu của NLĐ sẽ rất thấp, nên cần tính toán phù hợp để họ không nghĩ đến việc rút BHXH một lần.

Luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, cho rằng sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp, để cải thiện chính sách hưu trí, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã có một số nội dung như: giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng xuống 15 năm. Trường hợp thời gian nghỉ hưu trước tuổi có thời gian lẻ dưới 6 tháng thì không giảm tỉ lệ phần trăm hưởng lương hưu, từ 6 tháng trở lên thì tính mức giảm 1%...

Tuy nhiên, ông Tín nhìn nhận mức tính 2,25% cho mỗi năm đóng BHXH đối với NLĐ có thời gian đóng từ 15 đến dưới 20 năm chưa đủ sức hấp dẫn. "Một NLĐ đóng BHXH 15 năm sẽ có tỉ lệ hưởng 33,75%. Từ thực tế DN chỉ đóng BHXH cho NLĐ căn cứ theo lương tối thiểu vùng, giả sử mức đóng của DN là 5 triệu đồng/tháng (tương đương mức lương tối thiểu cao nhất, áp dụng từ 1-7-2024) thì lương hưu NLĐ nhận được chỉ hơn 1,6 triệu đồng/tháng" - ông Tín tính toán.

Theo ông Tín, đề xuất giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng hưu xuống 15 năm không nên áp dụng đối với trường hợp nghỉ hưu trước tuổi quy định. Lý lẽ ban soạn thảo đưa ra là nếu áp dụng đối với trường hợp nghỉ hưu sớm (mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định bị giảm 2% tỉ lệ hưởng lương hưu) sẽ dẫn đến tình trạng tỉ lệ hưởng và mức lương hưu quá thấp, không có nhiều ý nghĩa.

Tuy nhiên, nếu vì vậy mà không áp dụng quy định này đối với NLĐ nghỉ hưu sớm thì chưa bảo đảm sự công bằng cho những đối tượng vốn được coi là yếu thế hơn (suy giảm khả năng lao động; có thời gian dài làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm). Do vậy, cần tính toán kỹ để chế độ hưu trí thật sự là chính sách ưu việt, từ đó giữ chân NLĐ ở lại hệ thống an sinh.

Cần cải thiện chính sách hưu trí

Người lao động mong chế độ hưu trí được cải thiện để an tâm khi về già. Ảnh: THANH NGA

Tăng quyền lợi của người tham gia

Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật - LĐLĐ TP HCM, cho rằng có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc NLĐ lựa chọn rút BHXH một lần. Việc này khiến lượng hồ sơ đề nghị giải quyết BHXH một lần tại TP HCM tăng nhanh thời gian qua.

Theo đó, nguyên nhân có thể xuất phát từ chuyện NLĐ bị mất việc do DN thay đổi cơ cấu, công nghệ; do ảnh hưởng việc điều chỉnh tỉ lệ hưởng lương hưu và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu theo từng năm đối với cả nam lẫn nữ, khiến lao động trẻ cảm thấy việc đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu là quá khó và việc giảm tỉ lệ hưởng lương khiến họ thấy lương hưu sẽ không bảo đảm cuộc sống sau này…

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng chính sách BHXH chưa thực sự hấp dẫn, cả hiện tại và lâu dài, nên chưa thu hút NLĐ ở lại hệ thống. Để giải quyết căn cơ tình trạng rút BHXH một lần, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài.

Trong đó, quan trọng nhất là tạo được niềm tin với NLĐ. Đó là tăng quyền lợi cho NLĐ khi hưởng chính sách hưu trí; các chế độ hưởng ốm đau, nghỉ dưỡng, thai sản, bệnh nan y... giảm phần trăm đồng chi trả. Nghiên cứu bổ sung chính sách để hạn chế việc lao động nữ rút BHXH 1 lần, như hỗ trợ con em họ học tập hằng tháng đến khi đủ 18 tuổi...

Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP TKG TaeKwang Vina (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), đề xuất tính toán lại một số quyền lợi cho NLĐ để họ không cảm thấy thiệt thòi và ở lại với hệ thống BHXH đến lúc nghỉ hưu. Cụ thể, cần xem lại hệ số trượt giá khi tính chế độ BHXH, trong đó có lương hưu sao cho phù hợp thực tế để tiệm cận mức sống tối thiểu.

Ngoài ra, theo ông Phúc, chính sách trợ cấp một lần khi nghỉ hưu hiện nay cũng chưa hấp dẫn. Để có thể hưởng trợ cấp này (đóng BHXH trên 30 năm với nữ và trên 35 năm với nam), NLĐ đã tham gia BHXH gần như trọn thời gian lao động, đạt tỉ lệ hưởng hưu tối đa và có số năm đóng dôi dư. Số năm dôi dư này cần được tính giống như cách tính BHXH một lần cho những năm đóng sau 2014, tức là bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Như vậy, NLĐ mới cảm thấy nhận khoản trợ cấp này trước hay sau thời điểm nghỉ hưu cũng không bị thiệt thòi. 

Nâng mức đóng BHXH bắt buộc

Nhiều ý kiến cho rằng chính sách BHXH thực hiện theo nguyên tắc đóng - hưởng nên để cải thiện lương hưu thì cần nâng mức đóng BHXH. Bởi lẽ, hiện số đông DN đều chỉ đóng BHXH cho NLĐ theo lương tối thiểu vùng, trong khi thu nhập thực tế cao hơn.

Bà Đoàn Ngọc Diễm Lan - Phó Chủ tịch LĐLĐ quận 8, TP HCM - cho rằng về lâu dài, cần nâng dần mức đóng BHXH bắt buộc bằng cách quy định các khoản phụ cấp lương, các khoản hỗ trợ có tính chất thường xuyên để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ.

Người lao động

Danh sách việc làm

createGóp ý kiến
Gửi tôi việc làm tương tự
Tạo ngay