Có nên rút ngắn thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu?

(NLĐO) - Một trong những đề xuất được quan tâm tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 là giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống còn 15 năm

Tại tờ trình gửi Quốc hội, Chính phủ cho hay trong 7 năm thực hiện Luật BHXH năm 2014, có trên 476.000 người hưởng BHXH một lần đã có thời gian tham gia BHXH trên 10 năm với độ tuổi từ 40 tuổi trở lên; có trên 53.000 người đã hết tuổi lao động phải nhận BHXH một lần do chưa đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc; có trên 20.000 người khi đến tuổi nghỉ hưu chưa đủ thời gian đóng phải đóng một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương hưu. Nếu vẫn quy định thời gian tối thiểu để hưởng lương hưu là 20 năm thì những người này khó có cơ hội nhận lương hưu. Do vậy, với việc giảm số năm đóng tối thiểu xuống 15 năm sẽ tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu hằng tháng thay vì nhận BHXH một lần.

Với quy định nêu trên, mức lương hưu của những người này có thể thấp hơn những người có thời gian đóng dài nếu tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc hoặc thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện là như nhau. Tuy nhiên, những trường hợp này trước đây không đủ điều kiện hưởng lương hưu họ nhận BHXH một lần (nếu không lựa chọn tự nguyện đóng một lần cho thời gian còn thiếu), nay sẽ có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng. Như vậy, cho dù mức lương hưu có thể khiêm tốn hơn những người có thời gian đóng dài nhưng với mức lương hưu hằng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh và được hưởng BHYT cuộc sống khi về già của người lao động sẽ được đảm bảo hơn.

Có nên rút ngắn thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu?

Người lao động làm thủ tục rút BHXH một lần tại BHXH quận 12, TP HCM

Qua thời gian lấy ý kiến góp ý vừa qua, đề xuất này nhận được nhiều sự tán đồng. Chị Trần Thị Hà, công nhân Công ty TNHH Giày Dona Standard Việt Nam (tỉnh Đồng Nai) cho hay sau khi kết hôn, chị nghỉ việc 5 năm để chăm sóc 2 con nhỏ. Mãi đến năm 37 tuổi, chị mới quay trở lại thị trường lao động và tham gia BHXH. Đến nay, chị mới đóng BHXH được 2 năm. Chị Hà tính nếu làm việc đến lúc nghỉ hưu thì chị vẫn sẽ đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc theo quy định hiện hành để hưởng lương hưu. Tuy nhiên, điều kiện là chị phải có thời gian làm việc xuyên suốt, không bị sa thải hay nghỉ việc dẫn đến gián đoạn tham gia BHXH. Nhưng với tình hình khó khăn như hiện nay, vấn đề việc làm rất khó đảm bảo, nhất là ở độ tuổi sau 40, nếu mất việc chị sẽ rất khó ứng tuyển vào một công ty khác đồng nghĩa với việc khó tham gia BHXH tiếp tục. 

"Từ khi đi làm trở lại, tôi rất muốn được làm việc lâu dài và đóng BHXH để sau này có lương hưu. Vì vậy, tôi rất đồng tình với đề xuất giảm số năm đóng tối thiểu để hưởng lương hưu xuống 15 năm. Nếu đề xuất này được thông qua, những lao động tham gia BHXH muộn như tôi sẽ dễ tiếp cận chế độ hưu trí hơn" - chị Hà nói.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Bình Chánh, TP HCM cũng đồng thuận với đề xuất này. Bởi lẽ, thực tế hiện nay rất ít doanh nghiệp sử dụng lao động trên 40 tuổi. Nếu trước đó người lao động tham gia BHXH muộn thì sẽ không đáp ứng đủ 20 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Trong khi đó, mức đóng BHXH tự nguyện hiện nay còn cao và không phải người lao động nào cũng có điều kiện tham gia, đành phải rút BHXH một lần, dẫn đến không đảm bảo an sinh khi về già. Vậy nên ông Bảo đề xuất song song với việc giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu cũng cần tăng tính hấp dẫn của lương hưu để giữ chân người lao động ở lại hệ thống an sinh, chẳng hạn như xem xét không khấu trừ 2% đối với người lao động đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi; Cho phép hoán đổi thời gian đóng dư để người lao động được nghỉ hưu sớm; tăng mức trợ cấp hưu trí một lần đối với thời gian đóng BHXH vượt mức hưởng lương hưu tối đa…

Ngoài các ý kiến đồng thuận, cũng có ý kiến còn băn khoăn. Luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng phòng Luật sư Tín và Cộng sự, chia sẻ theo đề xuất, quy định giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm không áp dụng đối với các trường hợp nghỉ hưu sớm trước tuổi quy định. Lý lẽ ban soạn thảo đưa ra là nếu áp dụng đối với trường hợp nghỉ hưu sớm (mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định sẽ bị giảm 2% tỷ lệ hưởng lương hưu) sẽ dẫn đến tình trạng tỷ lệ hưởng và mức lương hưu quá thấp, không có nhiều ý nghĩa (lao động nam có 15 năm đóng BHXH thì tỷ lệ hưởng lương hưu là 33,75%, nếu nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi mà bị trừ 10% thì tỷ lệ hưởng lương hưu chỉ còn 23,75%). Song nếu vì vậy mà không áp dụng quy định này đối với người lao động nghỉ hưu sớm, đối tượng được xem là yếu thế hơn, sẽ chưa đảm bảo sự công bằng. Do vậy, cần cân nhắc, tính toán để tránh thiệt thòi cho người lao động.

Người lao động

Danh sách việc làm

createGóp ý kiến
Gửi tôi việc làm tương tự
Tạo ngay