(Dân trí) - Từ 1/7/2025 khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực, người lao động đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu 15 năm được hưởng lương hưu.
Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi mới được Quốc hội thông qua có quy định mới, giảm điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm để được hưởng lương hưu. Cụ thể là giảm mức đóng tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm.
Liên quan việc này, có người lao động thắc mắc, quy định áp dụng cho những đối tượng đang đóng bảo hiểm trước thời điểm 1/7/2025 không, hay chỉ áp dụng cho những trường hợp đóng mới từ 1/7/2025?
"Như trường hợp của tôi tính đến tháng 6/2024 đã đóng bảo hiểm xã hội được 13 năm 1 tháng. Vậy sau 1/7/2025 khi luật có hiệu lực thì tôi sẽ tiếp tục đóng đủ 20 năm hay chỉ 15 năm", người lao động đặt câu hỏi tại cuộc giao lưu giới thiệu chính sách bảo hiểm xã hội mới đây.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, quy định mới về thời gian đóng bảo hiểm sẽ áp dụng cho cả những người đã tham gia BHXH trước khi luật có hiệu lực. Việc giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội sẽ tuân theo quy định pháp luật hiện hành tại thời điểm hưởng chế độ, trừ khi có quy định khác trong luật này.
Hạ điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu (Ảnh minh họa: Hoa Lê).
Theo luật mới, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên sẽ được hưởng lương hưu nếu đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động.
Trong trường hợp nghỉ hưu sớm do suy giảm khả năng lao động, người lao động phải có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 20 năm trở lên và sẽ được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
Có tuổi thấp hơn tối đa 5 tuổi so với tuổi quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%;
Có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
Có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Về tỷ lệ hưởng lương hưu, đối với lao động nữ tính bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%;
Đối với lao động nam, tỷ lệ hưởng tính bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tương ứng 20 năm đóng bảo hiểm xã hội. Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Tỷ lệ hưởng lương hưu kế thừa Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (Ảnh: Bưu điện VN).
Trường hợp lao động nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hằng tháng bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.
Trường hợp nghỉ hưu sớm do suy giảm khả năng lao động thì mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định bị giảm 2%.
Trường hợp thời gian nghỉ hưu trước tuổi dưới 6 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu, từ đủ 6 tháng đến dưới 12 tháng thì giảm 1%.
Báo Dân Trí