Đóng BHXH 29 năm 4 tháng được hưởng lương hưu bao nhiêu?

(Dân trí) - Đến thời điểm nghỉ hưu, bà Châu đóng BHXH được 29 năm 4 tháng. Bà có được đóng bù 8 tháng còn thiếu để hưởng mức lương hưu tối đa 75% không?

Bà Châu sinh năm 1968, đủ tuổi nghỉ hưu từ tháng 12/2024. Đến thời điểm nghỉ hưu, dự kiến bà Châu sẽ đóng BHXH được 29 năm 4 tháng.

"Theo quy định tỷ lệ hưởng 75% lương hưu là đóng BHXH 30 năm. Vậy trường hợp của tôi sẽ được tính tỷ lệ lương hưu như thế nào? Tôi có được đóng bù 8 tháng BHXH còn thiếu để được hưởng lương hưu tỷ lệ 75% không?", bà Châu hỏi.

Đóng BHXH 29 năm 4 tháng được hưởng lương hưu bao nhiêu?

Người lao động không được đóng bù thời gian BHXH còn thiếu để hưởng tỷ lệ lương hưu tối đa (Ảnh minh họa: Sơn Nguyễn).

Theo BHXH Việt Nam, căn cứ vào Điều 54 Luật BHXH năm 2014 (đã được sửa đổi tại Điểm a Khoản 1 Điều 219 Bộ Luật Lao động năm 2019) thì người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu thì được hưởng lương hưu.

Mức hưởng lương hưu được quy định tại Khoản 2 Điều 56 Luật BHXH năm 2014. Theo đó, mức lương hưu hằng tháng của lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm 1 năm đóng BHXH được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Như vậy, để đạt được mức lương hưu hằng tháng là 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH thì lao động nữ cần có đủ 30 năm đóng BHXH khi đủ tuổi hưởng lương hưu.

Đóng BHXH 29 năm 4 tháng được hưởng lương hưu bao nhiêu?

BHXH Việt Nam cho biết: "Theo quy định tại Khoản 6 Điều 85 Luật BHXH năm 2014 thì trường hợp người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu mà thời gian đóng BHXH còn thiếu tối đa 6 tháng mới đủ 20 năm đóng BHXH thì người lao động được đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu vào quỹ hưu trí và tử tuất. Mức đóng hằng tháng bằng tổng mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động theo mức tiền lương tháng đóng BHXH trước khi nghỉ việc".

Theo BHXH Việt Nam, trường hợp của bà Châu đến thời điểm nghỉ hưu còn thiếu 8 tháng đóng BHXH để đủ 30 năm đóng BHXH. Như vậy, bà đã có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm trở lên thì không thuộc đối tượng được đóng BHXH một lần cho thời gian còn thiếu theo quy định trên.

BHXH Việt Nam cho biết: "Luật BHXH năm 2014 không có quy định đối với trường hợp người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu và đã có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm trở lên thì được đóng BHXH bắt buộc một lần cho đủ 30 năm để hưởng lương hưu với tỷ lệ tối đa".

Như vậy, tỷ lệ hưởng lương hưu của bà Châu chỉ có thể tính dựa vào thời gian đóng BHXH thực tế là 29 năm 4 tháng.

Tuy nhiên, BHXH Việt Nam hướng dẫn: "Bạn có thể tiếp tục đóng BHXH cho đủ 30 năm bằng cách đóng BHXH bắt buộc tại đơn vị sử dụng lao động hoặc đóng tiếp BHXH tự nguyện".

Báo Dân Trí

Danh sách việc làm

createGóp ý kiến
Gửi tôi việc làm tương tự
Tạo ngay