(Dân trí) - Một số đại biểu Quốc hội khuyến nghị tăng số ngày nghỉ thai sản với lao động nam lên tối thiểu 10 ngày để đảm bảo trách nhiệm chăm con, hỗ trợ vợ sau sinh...
Đây là một trong những đề xuất đáng chú ý đại biểu Lê Thị Lam Thanh (Hậu Giang) nêu khi phát biểu trước Quốc hội sáng 27/5 về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang (Ảnh: Phạm Thắng).
Cụ thể, theo đại biểu, tại khoản 2 Điều 55 có quy định lao động nam đang tham gia bảo hiểm xã hội được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản với thời gian 5 ngày làm việc khi vợ sinh thường, 7 ngày nếu vợ sinh con dưới 32 tuần tuổi, phải phẫu thuật. Trường hợp vợ sinh đôi, lao động nam được nghỉ 10 ngày, sinh 3 trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày.
Cũng trong điều khoản này, điểm d có quy định, trường hợp vợ sinh đôi phải phẫu thuật được nghỉ 14 ngày làm việc. Từ sinh 3 trở lên, phải phẫu thuật, cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản với lao động nam được tính trong 60 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
Đối với nội dung này, đại biểu Lê Thị Lam Thanh kiến nghị nghiên cứu tăng số ngày nghỉ lên tối thiểu 10 ngày đối với trường hợp thông thường và có thể nhiều hơn đối với trường hợp sinh đôi hoặc sinh con phải phẫu thuật để đảm bảo tính trách nhiệm của người cha trong quá trình chăm con nhỏ.
Về khoản 1 Điều 53, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị nghiên cứu tăng số lần khám thai tối thiểu 5 lần hoặc nhiều hơn khi có chỉ định.
Nữ đại biểu nêu thực tế, trung bình người lao động mang thai theo chỉ định của bác sĩ đi khám thai 1 lần/tháng, những tháng cuối thai kỳ có thể đi khám nhiều lần. "Nếu quy định lao động nữ chỉ được nghỉ tối đa 5 lần trong thời gian thai kỳ đồng nghĩa họ phải xin nghỉ phép, nghỉ không lương thêm", đại biểu Lê Thị Thanh Lam nói.
Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng quyền lợi thai sản với lao động nữ (Ảnh: Sơn Nguyễn).
Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) cho biết, qua tiếp xúc cử tri, có nhiều ý kiến khác nhau về nội dung này.
Theo đại biểu, khi lao động nữ mang thai đi khám thai định kỳ bác sỹ thường chỉ định khám lại sau 30 ngày. Tuy nhiên theo quy định hiện hành và dự thảo luật quy định cho lao động nữ chỉ được nghỉ việc đi khám thai tối đa 5 lần. Trong trường hợp thai kỳ suôn sẻ, bình thường, quy định đó có thể phù hợp. Còn trường hợp thai phát triển không bình thường, bác sĩ thường chỉ định thai phụ phải theo dõi sát, khám lại sau 1 tuần, 10 ngày, 15 ngày...
"Như vậy, thời gian quy định như dự thảo luật cũng như luật hiện hành chỉ được nghỉ không quá 5 lần là quá thấp đối với những trường hợp thai phát triển không bình thường", đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi nêu quan điểm.
Để đảm bảo điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt cho nữ lao động mang thai yên tâm làm việc, đại biểu cho rằng cần xem xét, quy định linh hoạt hơn, chị em có thể lựa chọn nghỉ 5 lần, mỗi lần không quá 2 ngày để đi khám thai hoặc có tổng số 10 ngày nghỉ cho việc khám thai trong toàn bộ thai kỳ để thai phụ được theo dõi đầy đủ, thai nhi phát triển tốt.
Báo Dân Trí