Đã hai năm trôi qua kể từ ngày bạn đặt bước chân đầu tiên vào công ty. Bạn yêu công việc và quý đồng nghiệp, thành tích cá nhân không có gì đáng phàn nàn nhưng có một nỗi băn khoăn vẫn luôn đeo bám đầu óc bạn: “Sao tôi chưa được tăng lương?”. Hoàn cảnh này không hiếm, quan trọng là bạn muốn thay đổi nó hay không.
Nghiên cứu cho thấy phần lớn chủ doanh nghiệp chỉ đồng ý tăng lương nếu người lao động chủ động đề cập và tỏ ra kiên quyết trong quá trình thương lượng. Bên cạnh đó, các nhà tâm lý của Đại học Temple và Đại học George Mason tại Mỹ, sau khi phỏng vấn 149 người lao động mới được tuyển dụng để tìm hiểu chiến thuật hiệu quả nhất trong nỗ lực đàm phán mức lương, cũng chỉ ra rằng những người lảng tránh thảo luận về lương trong các buổi phỏng vấn với nhà tuyển dụng hoặc họp đánh giá nhân viên hầu như hiếm khi được tăng lương. Vậy giải pháp là: Đừng chờ đợi nữa!
Bài viết dưới đây CareerBuilder Việt Nam muốn chia sẻ một số lời khuyên nhằm giúp bạn tăng khả năng thành công khi đề nghị tăng lương, bao gồm các chiến lược và kỹ thuật đàm phán.
iKhông đợi đến khi muốn tăng lương người lao động mới cần hiểu được giá trị bản thân. Trách nhiệm của mọi nhân viên là biết mình phụ trách công việc nào và khả năng của mình sẽ mang lại những gì cho công ty. Tuy nhiên, yêu cầu hiểu đủ và đúng về giá trị bản thân cũng như biết bạn xứng đáng được trả công ra sao lại cực kỳ quan trọng trong các tình huống trao đổi về lương bổng, đặc biệt là tăng lương.
Đừng bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách nói “Tôi xứng đáng được tăng lương vì làm ở đây lâu rồi”, điều này không có ý nghĩa và giá trị thuyết phục nào cả. Trước hết, hãy nghiên cứu kỹ càng thông tin, tự xét xem “tôi là ai” giữa thị trường nhân lực. Ngành nghề và lĩnh vực công việc bạn đang theo đuổi có mức lương thế nào, chuyên môn và kỹ năng của bạn đang được định giá ra sao. Tiếp đến rà soát lại mọi biểu hiện, quá trình và thành tích làm việc thực tế của mình tại công ty. Sự có mặt của bạn có là mắt xích trong toàn bộ vận hành của tổ chức? Công ty này cần bạn vì điều gì? Bạn luôn xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ và đạt những kết quả đáng tưởng thưởng? Khi đã biết rõ những điều này, bạn có thể nghĩ đến chuyện tìm kiếm mức lương tốt hơn cho một tương lai lâu dài hơn.
Hẳn bạn vẫn còn nhớ câu chuyện ngày bé, chúng ta luôn chờ đến khi bố mẹ không bận rôn, tâm trạng vui vẻ thì mới đến gần thỏ thẻ xin được mua một món đồ chơi hoặc thông báo đã đến kỳ đóng học phí. Bởi lý do rất rõ ràng mà ai cũng hiểu là khi đó người tiếp nhận thông tin sẽ cảm thấy nhẹ nhàng dễ chịu hơn và có khả năng chấp nhận cao hơn. Tình huống này không khác dự định đề nghị tăng lương là mấy. Nói ra nhu cầu được thêm thu nhập với bạn lúc nào cũng là đúng thời điểm, tuy nhiên với các sếp thì không phải vậy.
Tiến hành đúng thời điểm nghĩa rộng phải bao gồm cả không gian – thời gian cho cuộc trò chuyện, trạng thái tâm lý người tiếp nhận đề nghị, tình hình hoạt động cùng ngân sách công ty, và cả “phong độ” làm việc thực tế mà bạn đang thể hiện nữa. Với một vấn đề nhạy cảm như tiền bạc thì bạn phải có một cuộc trò chuyện riêng tư khéo léo. Hãy cân nhắc đề cập đến nó khi sếp không bị “ngập” trong các dự án cần duyệt hay đang hoạch định các chiến quan trọng của năm. Nên nói vào những giai đoạn mà sếp đang rất hài lòng với thành tích làm việc của bạn như liên tiếp thắng hợp đồng lớn, vượt chỉ tiêu doanh số năm, xuất sắc hoàn thành trọng trách ở vị trí mới; hoặc những thời điểm mà người quản lý nhân sự có tâm lý sẵn sàng đón nhận như ngày kỷ niệm 3/5/10 năm bạn làm việc tại công ty, đợt đánh giá kết quả làm việc hàng năm, đợt xét tăng lương thưởng định kỳ…
Vậy ngược lại, đâu là lúc bạn sẽ mười mươi nhận lấy thất bại ê chề nếu đòi tăng lương? Dù bạn muốn và thấy mình xứng đáng đến thế nào thì cũng hãy tuyệt đối tránh nói chuyện này khi ngân sách công ty không cho phép! Đó là những giai đoạn mà doanh nghiệp đang tái cơ cấu nhân sự, tình hình kinh doanh không thuận lợi buộc cắt giảm chi tiêu. Đừng đề cập quá muộn màng khi các sếp đã phân bổ hết toàn bộ ngân sách năm dành cho nhân sự, câu trả lời nhận được sẽ là hứa hẹn “xem xét vào năm sau”. Bên cạnh đó, đề nghị tăng lương khi Ban giám đốc và Phòng Kế toán công ty đang “bù đầu bù cổ” với đợt báo cáo thuế và kiểm toán cũng sẽ là thời điểm “sai quá sai”.
Hiểu bản thân là một chuyện, nói ra được điều đó cho người khác cùng hiểu và công nhận là chuyện khác. Giao tiếp là một nghệ thuật và luôn cần sự chuẩn bị, đặc biệt khi bạn không phải thiên tài về hùng biện và thuyết phục.
Nếu đã chọn đúng thời điểm, nhưng khả năng trình bày và giao tiếp kém cỏi thì đôi khi bạn cũng chẳng gặt hái được gì cả. Vì lúc đó người đối diện không cảm thấy thuyết phục, hoặc bạn không trang bị đủ lý lẽ để giành được điều mình muốn. Vậy nên một khi đã bước vào “cuộc chiến” hãy mạnh mẽ và đừng thoái lui, ngay cả khi các sếp có dấu hiệu từ chối. Suy cho cùng đây cũng chỉ là một buổi trò chuyện, bạn không tổn hại gì sau đó nếu giao tiếp đúng cách. Mọi người đều bận rộn nên bạn cần trình bày mạch lạc! Thật từ tốn, lịch sự và đủ lòng tự tin, hãy xin phép được nói ngắn gọn về giá trị và mong muốn của mình. Quan trọng nhất là bạn nêu ra được nhu cầu và làm đối phương hiểu chính xác thông điệp trong sự dứt khoát. Sai lầm nhất là người bắt đầu một cách hùng hổ, sau đó đuối lý dần và xuôi tay thoả hiệp khi vừa bị người đối diện phản đối hoặc xoa dịu vì không biết phải làm gì nữa.
Song song đó, khi đề cập đến việc tăng thu nhập đừng chỉ mãi tập trung duy nhất vào lương, còn có những lựa chọn khác nữa cho bạn suy xét như:
- Thêm ngày nghỉ phép
- Thưởng hiệu quả công việc hoặc phụ cấp trách nhiệm
- Chế độ làm việc linh động
Ngay từ đầu, hãy liệt kê rõ ràng mục tiêu về những quyền lợi bạn có thể thương lượng. Có thể công ty không chấp nhận tăng lương ngay được, nhưng biết đâu đây vẫn là cơ hội mà bạn nên tận dụng để giành lấy một vài quyền lợi khác mang giá trị không hề nhỏ.
Không phải mọi lời đề nghị tăng lương, bất kể vô lý hay thoả đáng, đều sẽ được chấp nhận, bởi thế nên chúng ta mới phải hy vọng và hồi hộp về kết quả. Nhưng điều bàn luận ở đây là bạn phản ứng thế nào nếu chính thức thất bại? Hãy chuyên nghiệp và vững tin vào bản thân, đừng tỏ ra quá cay cú và tin vào mặt tích cực trong mọi việc!
Một quyết định hợp tình hợp lý luôn có cơ sở, bạn cần đảm bảo mình có thể chấp nhận sự thật. Có vài lý do sếp nói ra để từ chối đôi khi đã được bạn lường trước. Tệ nhất sẽ là tình huống bạn cảm thấy không phục bởi công ty chẳng gặp bất cứ khó khăn nào nhưng lại phớt lờ và xem nhẹ những đóng góp cũng như giá trị của bạn. Nghĩa là mặc cho bạn đã trình bày đầy dẫn chứng, cấp trên vẫn nhận định chủ quan và áp đặt một cách mơ hồ rằng bạn chưa xứng đáng để được tăng lương, cần nỗ lực thêm trong tương lai. Nghe có vẻ vô lý, nhưng đây vẫn là một điều tốt, bởi sau đó bạn hiểu ra bài học về văn hoá ghi nhận thành quả tại công ty, hoặc nếu không cảm nhận được tương lai tốt đẹp cho mình thì có thể lên kế hoạch cho một sự thay đổi.
Đề nghị tăng lương có thể được xem là thước đo tốt để mọi nhân viên tự khẳng định lại vị trí bản thân. Trên con đường xây dựng sự nghiệp lâu dài, ai cũng cần liên tục rèn luyện kỹ năng, học hỏi và trau dồi chuyên môn để nâng cao năng lực và phẩm chất cá nhân. Chuẩn bị và đầu tư thật tốt để mỗi lần bước vào phòng đàm phán lương bạn là người mang tư thế chủ động, "biết người biết ta, trăm trận trăm thắng" là vậy.
Hãy cứ mạnh dạn đề nghị tăng lương khi thời điểm đến và cho mình cơ hội tự cảm nhận giá trị bản thân. Sẽ thật vui mừng và đầy khích lệ nếu bạn thành công! Còn khi mọi việc diễn ra không như ý, có thể bạn sẽ kiên trì quay lại sau 6 tháng để tiếp tục đề nghị hoặc là bạn lẳng lặng hoạch định đường đi khác, thế nào cũng được chỉ cần luôn nhớ rằng “Thái độ đón nhận thành công hay đương đầu với thất bại cũng là một dấu ấn để mọi người nhớ đến bản lĩnh và sự chuyên nghiệp của một cá nhân”. Chúc các bạn thành công và sớm sở hữu mức lương mơ ước nhé!
(Nguồn hình: Internet)