Thị trường lao động: Tuyển dụng nhiều, nghỉ việc cũng nhiều

Thống kê sơ bộ từ các trung tâm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho thấy những biến động lớn của tình hình sản xuất kinh doanh dẫn tới biến động về lao động việc làm. Nhu cầu tuyển dụng tăng, nhưng số người nghỉ việc cũng tăng cao.

Thị trường lao động: Tuyển dụng nhiều, nghỉ việc cũng nhiều

Nhu cầu tuyển dụng thống kê từ 14.300 lượt doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 82.600 chỗ làm việc - Ảnh: FALMI

Tuyển dụng quý 1-2024 khoảng 82.600 người

Cụ thể, thông tin từ bản tin của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy trong 2 tháng đầu năm 2024, cứ có 10 doanh nghiệp tham gia thị trường thì có 14 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Điều này ảnh hưởng tới tình hình tuyển dụng, việc làm.

Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2024, thành phố có khoảng 10.500 doanh nghiệp tham gia vào thị trường (6.300 doanh nghiệp thành lập mới và 4.200 doanh nghiệp hoạt động lại) với số vốn đăng ký tăng 44,4% so với cùng kỳ. Nhưng cũng trong thời gian này có đến 14.700 doanh nghiệp ngưng hoạt động.

Trong bối cảnh tình hình kinh doanh sản xuất biến động, tình hình lao động việc làm cũng biến động tương tự.

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TP.HCM (FALMI) ghi nhận trong quý 1-2024 có 14.300 lượt doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với 82.600 chỗ làm việc, và hơn 37.200 người có nhu cầu tìm việc làm, cho thấy nhu cầu tuyển dụng ở các doanh nghiệp khá lớn.

Tuy nhiên, ở quy mô khảo sát nhỏ hơn, với 1.443 doanh nghiệp, có 139 doanh nghiệp trả lời có nhu cầu tăng lao động với số lượng lao động tăng là 471 người và có 59 doanh nghiệp trả lời dự kiến giảm lao động. Số lao động dự kiến giảm lại lên tới 1.152 người.

Đồng thời, thống kê từ Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM cho thấy số lao động đã nghỉ việc ghi nhận được từ hệ thống chi trả bảo hiểm thất nghiệp trong quý 1-2024 là gần 55.000 người

Cụ thể, trong quý 1-2024, trung tâm đã tiếp nhận hơn 28.500 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, bên cạnh đó là có hơn 26.000 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Tuy nhiên tín hiệu tích cực là số thất nghiệp của quý 1-2024 giảm mạnh lên tới 12% so với quý 1-2023 (khoảng 32.300 hồ sơ).

Công việc nào có mức lương dưới 5 triệu đồng?

Một thông tin khác cũng đáng chú ý là thu nhập bình quân/tháng của người lao động tại doanh nghiệp, trong đó thu nhập bình quân của lao động quản lý là 15,62 triệu đồng/tháng; lao động gián tiếp là 9,43 triệu đồng/tháng; lao động trực tiếp là 9,88 triệu đồng/tháng.

Trong số 82.000 việc làm mà doanh nghiệp có nhu cầu tuyển trong quý 1-2024, nhu cầu tuyển dụng ở trình độ trung cấp, sơ cấp chiếm tỉ lệ cao nhất lần lượt là 23,6% và 22%, tiếp đó là đại học (21%), cao đẳng (19%), lao động phổ thông 13,5%.

Mức lương phổ biến nhất được doanh nghiệp tuyển dụng nhiều nhất là 5-10 triệu đồng/tháng (gần 40%) với các công việc chủ yếu gồm nhân viên nhập liệu; nhân viên kinh doanh bất động sản; nhân viên bán hàng; nhân viên tư vấn; nhân viên chăm sóc khách hàng; kế toán…

Tiếp đó là mức lương dưới 5 triệu đồng/tháng (33%) tập trung ở các vị trí công việc như nhân viên trung tâm thông tin liên lạc; nhân viên tư vấn và bán hàng online; nhân viên phục vụ; nhân viên kho; nhân viên thu ngân;…,

Cao hơn là lương 10 - 15 triệu đồng/tháng (chiếm 16,5%) cho các vị trí chuyên viên marketing; nhân viên hành chính; chuyên viên tư vấn dinh dưỡng; người chăm sóc người bệnh; nhân viên kinh doanh…

Mức lương 15 - 20 triệu đồng/tháng chiếm 7,7% với các công việc như chuyên viên kiểm soát chất lượng; kỹ thuật viên kỹ thuật cơ khí; giám sát bán hàng; kỹ thuật viên kỹ thuật điện tử; chuyên viên chăm sóc sắc đẹp…

Mức lương trên 20 triệu đồng/tháng chiếm hơn 3,3% tập trung chủ yếu ở các vị trí việc làm như kiểm tra linh kiện điện tử; kỹ sư phần mềm; kỹ thuật viên công nghệ thông tin; nhân viên sale game; bác sĩ da liễu;…

Thị trường lao động: Tuyển dụng nhiều, nghỉ việc cũng nhiều

Nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp phân theo mức lương quý 1-2024 - Ảnh: FAMIL

Về dự kiến nhu cầu nhân lực quý 2-2024 theo FALMI, TP.HCM cần khoảng 75.500-77.000 chỗ làm việc, trong đó ngành thương mại chiếm đến gần 23%, dịch vụ thông tin, tư vấn và khoa học - công nghệ chiếm 12,5%, bất động sản chiếm 9%, ngành điện tử và công nghệ thông tin khoảng 6,5%, ngành cơ khí khoảng 5%...

Còn theo khảo sát của FAMIL tại 1.443 doanh nghiệp về dự kiến nhu cầu tăng/giảm lao động trong quý 2-2024, có 42/1.443 doanh nghiệp trả lời dự kiến tăng 155 lao động và có 23/1.443 doanh nghiệp trả lời dự kiến giảm lao động với số lượng là 548 người.

Nhận định về biến động lao động, bà Nguyễn Hoàng Hiếu - giám đốc FALMI - cho biết dự kiến tăng, giảm lao động sẽ tập trung ở các doanh nghiệp trong khu vực ngoài nhà nước. Tỉ lệ lao động tăng chiếm 99,45%. Tỉ lệ lao động giảm chiếm 99,83%. 

Kết quả khảo sát cho thấy các doanh nghiệp trong khu vực nhà nước ổn định hơn và không có biến động nhân sự.

Danh sách việc làm

createGóp ý kiến
Gửi tôi việc làm tương tự
Tạo ngay