Khi tính lương theo hệ số, những người làm việc cống hiến, đột phá nhưng hệ số thấp nhận về tiền lương không cao còn người làm việc tà tà nhưng lâu năm, có hệ số cao thì lương tốt hơn, theo đại biểu.
Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội và một số nội dung khác theo chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Tại tổ TPHCM, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đánh giá sau nhiều năm, mức lương của nhiều đối tượng vẫn không đủ sống. Tuy nhiên, bà Lan cũng thẳng thắn chỉ rõ mức đóng bảo hiểm xã hội của nước ta hiện nay thấp nhưng muốn tăng mức đóng thì không dễ.
Theo bà Lan, việc tăng lương cơ bản cũng còn những bất cập. Mỗi lần tăng lương cơ sở ở mức vài trăm nghìn đồng, những người trẻ cần phải tích lũy để xây dựng gia đình thì hưởng mức thấp do hệ số thấp; chỉ những người hệ số cao thì mức tăng lương mới đáng kể.
Do đó, đại biểu này cho rằng cần nghiên cứu để chính sách tiền lương phù hợp hơn. "Khi tính lương theo hệ số, những người làm việc cống hiến, đột phá nhưng hệ số thấp nhận về tiền lương không cao. Trong khi đó, những người làm việc tà tà nhưng lâu năm, có hệ số cao thì lương tốt hơn", bà Lan nói.
Cũng nói đến vấn đề tiền lương, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Chính phủ sớm xây dựng lộ trình cải cách tiền lương. Ông Nhân cho biết nhiều người lao động làm việc nhiều năm ở doanh nghiệp, đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ nhưng khi về hưu lương không đủ sống.
"Vừa qua, tại TPHCM, chúng tôi đi gặp nhiều công nhân, người lao động, làm việc nhiều năm ở doanh nghiệp, đóng đủ bảo hiểm xã hội nhưng khi về hưu chỉ nhận mức lương 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng, sống sao được" ông Nhân nói.
Trong báo cáo kinh tế - xã hội gửi Quốc hội tại kỳ họp này, Chính phủ cho biết sẽ sớm trình cấp có thẩm quyền lộ trình cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 Trung ương và xây dựng phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24/2023/NĐ-CP tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng từ ngày 1/7/2023.
Theo đó, từ ngày 1/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương tăng 20,8% so với mức lương cơ sở hiện hành. Hiện nay, mức lương cơ sở đang áp dụng là 1,49 triệu đồng/tháng.
Hiện hành, theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP, tiền lương công chức, viên chức được tính bằng công thức: Tiền lương = Lương cơ sở x Hệ số lương.
Ví dụ, với công chức loại A1 có hệ số lương khởi điểm là 2.34.
Nếu tính theo mức lương cơ sở hiện hành 1,49 triệu đồng thì tiền lương nhận được là 3,486 triệu đồng/tháng.
Còn nếu tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng từ ngày 1/7/2023 thì tiền lương có thể lên tới 4,212 triệu đồng/tháng.
Như vậy, nếu tính theo mức lương cơ sở mới thì dự kiến thu nhập với công chức trong trường hợp này tăng tới 725.400 đồng/tháng.