(Dân trí) - Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi kế thừa quy định về tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động năm 2019 và quy định về tính tỷ lệ hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 7 đề xuất giảm năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm.
Theo đó, mức hưởng của lao động nghỉ hưu trong điều kiện bình thường bằng 45% bình quân tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng với 20 năm đóng bảo hiểm của lao động nam và 15 năm với lao động nữ. Sau đó, cứ thêm một năm đóng bảo hiểm được hưởng thêm 2%.
Lao động nam đóng 15 năm bảo hiểm xã hội hưởng tỷ lệ tối thiểu 33,75% và cần đóng 35 năm để hưởng lương hưu tối đa 75%. Lao động nam đóng đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì mức hưởng được tính thêm 2,25% mỗi năm. Lao động nữ tham gia 15 năm hưởng lương hưu tối thiểu 45% và cần đóng 30 năm để đạt mức tối đa 75%.
Như vậy, cùng lấy mốc 15 năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu nhưng tỷ lệ tích lũy lương hưu lao động nam thấp hơn nữ.
Trong văn bản của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có nêu, cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động nhiều chiều với nguyên tắc đảm bảo sự ổn định, kế thừa thành quả Luật Bảo hiểm xã hội 2014, tránh xáo động lớn trong xã hội.
Tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nam và nữ là phù hợp (Ảnh minh họa: Sơn Nguyễn).
Với mục tiêu đảm bảo cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã thực hiện nhiều điều chỉnh liên quan đến công thức tính lương hưu; cùng với đó là lộ trình điều chỉnh mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu (khu vực nhà nước) theo hướng tính bình quân toàn bộ quá trình đóng và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật Lao động năm 2019...
Do vậy, theo cơ quan soạn thảo, quan điểm chung trong lần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội lần này là kế thừa quy định về tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động năm 2019, kế thừa quy định về tính tỷ lệ hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Bên cạnh đó, chỉ bổ sung quy định về tính tỷ lệ hưởng lương hưu với các trường hợp luật hiện hành chưa có quy định.
Để đảm bảo cân đối Quỹ trong dài hạn, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã có lộ trình điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu bình quân cho một năm đóng bảo hiểm xã hội (tỷ lệ tích lũy) từ 3% còn 2,5% (giảm 0,5%) đối với nữ và từ 2,5% còn 2,14% (giảm 0,36%) đối với nam.
Như vậy, lộ trình điều chỉnh giảm của nữ nhiều hơn nam là 0,14%/năm. Chính vì thế việc quy định mức tối thiểu 15 năm hưởng 33,75% đối với nam, 45% đối nữ là phù hợp.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, bình quân trong 30 năm thì tỷ lệ hưởng lương hưu bình quân cho một năm đóng bảo hiểm xã hội (tỷ lệ tích lũy) của nam là 2,14%/năm.
Tuy nhiên, để đảm bảo mối tương quan hài hòa, đồng thời đảm bảo lương hưu tương đương 15 năm tham gia bảo hiểm xã hội không quá thấp, cơ quan soạn thảo đã dự thảo tỷ lệ tích lũy đối với nam là 2,25% tương đương 15 năm đóng hưởng 33,75% thay vì hưởng 32,1%.
Tỷ lệ hưởng lương hưu 2,25% cho một năm đóng, là tỷ lệ bình quân tỷ lệ hưởng lương hưu của 20 năm đóng bảo hiểm xã hội đối với lao động nam được quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Với quy định tỷ lệ hưởng lương hưu tính bình quân cho một năm đóng của Việt Nam hiện nay là 2,14% đối với nam và 2,5% đối với nữ, trong khi các nước như Trung Quốc và Hàn Quốc tỷ lệ này chỉ là 1%; bình quân của thế giới chỉ khoảng 1,7%.
Với tỷ lệ tích lũy theo quy định hiện hành, cùng với việc quy định tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75%, chế độ hưu trí của Việt Nam hiện nay đang được đánh giá là thuộc nhóm cao nhất so với các nước.
Báo Dân Trí