Khi nói đến vấn đề lương thưởng, các ứng viên nữ thường cảm thấy kém thoải mái hơn các ứng viên nam. Nhiều nghiên cứu và khảo sát từ các trang như PayScale hay CV-Library cho thấy các ứng viên nữ mang nhiều tâm lý e ngại khi phải thương thảo mức lương với nhà tuyển dụng trong quá trình phỏng vấn cũng như với bộ phận nhân sự hoặc sếp quản lý trong các kỳ đánh giá kết quả công việc vì nhiều lý do về sự thiếu cân bằng trong chi trả giữa hai giới hoặc bởi các đặc điểm khác nhau về tính cách riêng. Thử cùng careerviet xem cụ thể đó là những lý do gì và liệu có những lời khuyên nào từ các chuyên gia để ứng viên nữ có thể tự tin hơn trong quá trình đàm phán lương không nhé.
Vì sao ứng viên nữ thường ngại đàm phán lương?
Vấn đề giới tính có phải là yếu tố ảnh hưởng lương thưởng không đã được nhiều lần đưa ra thảo luận và có những yếu tố cho thấy nhiều khả năng các ứng viên nam nhận được mức lương cao hơn ứng viên nữ ở cùng vị trí. Một trong số những lý do có thể kể đến như các nhân viên nữ thường có xu hướng rời bỏ công việc khi vướng bận chuyện con cái và gia đình; định kiến về việc nam giới làm việc có hiệu quả và năng suất cao hơn nữ giới hay có những công việc có đặc thù không phù hợp với phái nữ. Chính vì điều này, giữa ứng viên nam và nữ sẽ nảy sinh những kỳ vọng khác nhau. Ví dụ như trong khi ứng viên nam có thể quan tâm nhiều đến chức danh khi làm việc, ứng viên nữ lại cho rằng vị trí nơi làm việc quan trọng hơn. Các ứng viên nữ e ngại nếu quá tập trung vào việc đàm phán lương, họ có thể bị nhà tuyển dụng đánh giá là đòi hỏi hoặc sẽ mất đi cơ hội việc làm đáng lý trong tầm tay vì những ứng viên nam đang có ưu thế hơn. Cảm giác "mất nhiều hơn được" khiến ứng viên nữ phần nào trở nên e ngại khi phải thương thảo về lương.
Như đã nói ở trên, ứng viên nữ cũng dễ gặp phải những áp lực đến từ chuyện con cái, gia đình hoặc đặc thù ngành nghề không phù hợp. Do đó, nếu ứng viên nam luôn muốn có sự thoả thuận lương rõ ràng sao cho tương xứng với chức danh, ứng viên nữ lại dễ đồng thuận ở mức khởi điểm nhà tuyển dụng đưa ra nếu như những điều kiện về mong muốn khác của họ được đáp ứng và chế độ công ty hỗ trợ được họ trong việc giải quyết những vấn đề cá nhân.
Với đặc thù tính cách của phái nữ cũng như những khác biệt về sức khoẻ, mức độ chịu đựng trong công việc, hình ảnh của ứng viên nữ thường gắn liền với sự mềm mỏng và kém quyết liệt. Nhà tuyển dụng hiểu điều này và có những chiến lược riêng khi đàm phán lương với họ. Những quyền lợi khác phù hợp với nữ giới như phòng spa riêng tại công ty, chế độ về sớm hoặc làm việc linh hoạt để đưa đón con cái, các quà tặng chăm sóc sắc đẹp định kỳ được đưa ra kèm theo trong quá trình thương lượng khiến ứng viên nữ khó lòng từ chối và dễ rơi vào trạng thái bằng lòng với mức khởi điểm có đôi khi sẽ thấp hơn mong đợi.
Vì sao ứng viên nữ thường ngại đàm phán lương?
Điều đầu tiên là ứng viên nữ cần tự xoá bỏ định kiến trong suy nghĩ của chính bản thân mình. Mức lương của một người đi làm vốn không được "định giá" bởi giới tính mà là từ chính những đóng góp họ có thể mang lại. Vì vậy, thay vì tránh né đàm phán lương một cách cảm tính, hãy sử dụng những công cụ so sánh mức lương uy tín trên thị trường để có được sự tham khảo cần thiết, thêm phần tự tin khi bước vào các cuộc thảo luận với nhà tuyển dụng.
Ngoài ra, mặc dù ứng viên nữ có thể có nhiều áp lực về đời sống cá nhân nhưng nếu khéo léo tìm hiểu và học hỏi thêm nhiều lời khuyên từ những người đã có trải nghiệm trước đó, ứng viên nữ vẫn sẽ tìm ra cách để hoá giải được "cú phạt đền" trong sự nghiệp.
Để kết lại bài viết này, careerviet xin chúc bạn dù là ai, giới tính nào, trong hoàn cảnh ra sao luôn có được sự tự tin cần thiết cũng như hiểu đúng giá trị của bản thân trong suốt sự nghiệp của mình.
>>> Xem thêm: Việc tốt Lương cao
Nguồn hình: Freepik