Bảng lương theo vị trí việc làm có gì đặc biệt?

(NLĐO) - Từ 1-7-2024, nước ta sẽ áp dụng hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành. Vậy bảng lương theo vị trí việc làm khác gì so với bảng lương hiện nay?

Bảng lương theo vị trí việc làm là gì?

Đối với công chức, vị trí việc làm là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (theo giải thích tại khoản 3 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12)

Bảng lương theo vị trí việc làm có gì đặc biệt?

Theo Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương, từ ngày 1-7-2024, cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo sẽ được xây dựng bảng lương riêng và không còn hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo

Còn đối với viên chức, vị trí việc làm là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng, là căn cứ xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập (theo khoản 1 Điều 7 Luật Viên chức số 58/2010/QH12)

Từ các định nghĩa trên có thể hiểu, bảng lương theo vị trí việc làm là bảng lương căn cứ vào từng chức danh, chức vụ của công chức, viên chức để xác định mức lương cụ thể cho từng đối tượng.

Bảng lương theo vị trí việc làm khác gì so với bảng lương hiện nay?

Bộ Chính trị đã nêu quan điểm xây dựng hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành tại Nghị quyết số 27-NQ/TW. Sau đây là một số điểm khác biệt của bảng lương theo vị trí việc làm so với bảng lương hiện nay:

Bảng lương theo vị trí việc làm không còn hệ số và mức lương cơ sở
Bảng lương hiện nay của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang được tính theo mức lương cơ sở nhân với hệ số.

Theo tinh thần của Nghị quyết 27, bảng lương mới theo vị trí việc làm sẽ được quy định số tiền cụ thể.

Quản lý, lãnh đạo có bảng lương riêng theo vị trí việc làm

Hiện nay, theo Điều 3 Nghị định 204/2004/NĐ-CP, các chức vụ lãnh đạo được xếp lương và phụ cấp theo nguyên tắc:

- Cán bộ, công chức, viên chức được bổ nhiệm vào ngạch công chức, viên chức nào hoặc chức danh chuyên môn, nghiệp vụ nào thì xếp lương theo ngạch hoặc chức danh đó.

- Cán bộ giữ chức danh do bầu cử thuộc diện xếp lương chuyên môn, nghiệp vụ và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo thì xếp lương theo ngạch, bậc công chức hành chính và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo của chức danh bầu cử hiện đang đảm nhiệm.

- Cán bộ, công chức, viên chức giữ chức danh lãnh đạo nào thì xếp lương chức vụ hoặc hưởng phụ cấp chức vụ theo chức danh lãnh đạo đó.

Có thể thấy, hiện các cấp quản lý, lãnh đạo của nhiều cơ quan đang xếp lương theo ngạch, bậc công chức hành chính và hưởng thêm phụ cấp chức vụ lãnh đạo.

Tuy nhiên theo Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương, từ ngày 1-7-2024, cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo sẽ được xây dựng bảng lương riêng và không còn hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo.

Bảng lương theo vị trí việc làm có gì đặc biệt?

Việc bổ nhiệm vào ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức phải gắn với vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức

Bảng lương mới áp dụng cho các chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã xây dựng theo nguyên tắc:

- Mức lương chức vụ phải thể hiện thứ bậc trong hệ thống chính trị; giữ chức vụ lãnh đạo nào thì hưởng lương theo chức vụ đó, nếu một người giữ nhiều chức vụ thì hưởng một mức lương chức vụ cao nhất;

- Giữ chức vụ lãnh đạo tương đương nhau thì hưởng mức lương chức vụ như nhau; mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp trên phải cao hơn mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp dưới;

- Quy định một mức lương chức vụ cho mỗi loại chức vụ tương đương;

- Không phân loại bộ, ngành, ban, uỷ ban và tương đương ở Trung ương khi xây dựng bảng lương chức vụ ở Trung ương; không phân biệt mức lương chức vụ khác nhau đối với cùng chức danh lãnh đạo theo phân loại đơn vị hành chính ở địa phương mà thực hiện bằng chế độ phụ cấp.

- Việc phân loại chức vụ lãnh đạo tương đương trong hệ thống chính trị để thiết kế bảng lương chức vụ do Bộ Chính trị quyết định sau khi đã báo cáo Ban Chấp hành Trung ương.

Đối công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo, bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức xây dựng theo nguyên tắc:

- Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau; điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề;

- Sắp xếp lại nhóm ngạch và số bậc trong các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, khuyến khích công chức, viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Việc bổ nhiệm vào ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức phải gắn với vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức, viên chức thực hiện.

Mức lương thấp nhất trong bảng lương mới không thấp hơn lương tối thiểu vùng

Hiện nay, mức lương thấp nhất của công chức có hệ số lương là 1.35, tương đương 2,43 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, mức lương thấp nhất của lao động qua đào tạo trong khu vực doanh nghiệp đang dao động từ 3,25 - 4,68 triệu đồng/tháng.

Theo chính sách cải cách tiền lương tại Nghị quyết 27, mức tiền lương thấp nhất của công chức, viên chức trong khu vực công là mức tiền lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp (bậc 1) sẽ không thấp hơn mức tiền lương thấp nhất của lao động qua đào tạo trong khu vực doanh nghiệp (mức lương tối thiểu vùng).

Ngoài ra, chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ dần được hoàn thiện để phù hợp với quy định của bảng lương mới.

Trên đây là thông tin về bảng lương theo vị trí việc làm so với bảng lương hiện nay.

Jobs List

createComments
Send me similar jobs
Create job alert