Bí kíp để thương lượng lương thành công

Bạn đã viết một CV rất xuất sắc chinh phục hoàn toàn người lọc hồ sơ. Quá trình phỏng vấn của bạn diễn ra suôn sẻ, không gặp chút rắc rối nào. Bạn có thể cảm thấy một lời mời nhận việc như ý đang trong tầm tay, điều này thật tuyệt vời! Nhưng trước khi lên kế hoạch dài hơi để xây dựng “căn cứ” mới của mình, vẫn còn việc quan trọng cuối cùng cần bạn tập trung hoàn thành đó là đàm phán lương.

Có lẽ quá trình trao đổi về tiền nong này sẽ gây chút căng thẳng tâm lý, và đôi khi bạn cũng lo sợ rằng liệu nhà tuyển dụng có đổi ý quay lưng nếu bạn lỡ đòi hỏi một mức lương cao vượt ngân sách hay bất hợp lý? Các lời khuyên thường gặp sẽ giúp bạn giải toả bớt những lo ngại. Cùng CareerBuilder Việt Nam xem danh sách những điều NÊN và KHÔNG NÊN làm để thương lượng lương khi dự phỏng vấn nhé!

Bí kíp để thương lượng lương thành công

NÊN nghiên cứu trước khi hành động

Hẳn là bạn đã có một con số mong muốn trong đầu, tuy nhiên nên dựa vào những kết quả báo cáo thực tế và thông tin thị trường về tình hình lương cũng như thang lương dành cho từng nhóm ngành, lĩnh vực và cấp bậc so với vị trí bạn ứng tuyển để trao đổi phù hợp. Cheryl E. Palmer, Certified Career Coach kiêm chủ nhân của website Call to Career, đã chia sẻ rằng các nhà tuyển dụng luôn định sẵn từ trước mức lương cho các vị trí mà họ tuyển dụng. Thế nên người tìm việc cần nghiên cứu cẩn thận để sau đó khi bước vào đàm phán thì đưa ra những yêu cầu hợp lý, thoả đáng, có cơ sở mà thị trường lao động chấp nhận.

Hãy bắt đầu quá trình nghiên cứu bằng cách xem xét các tài liệu thống kê, báo cáo khảo sát được cung cấp bởi Sở lao động, Cục thống kê, các tổ chức nghiên cứu thị trường và website việc làm uy tín. Thông qua xem xét tài liệu, ứng viên sẽ biết xu hướng tăng giảm lương của thị trường, quan điểm chi trả lương của nhà tuyển dụng và thang lương cơ bản tại một số doanh nghiệp điển hình, từ đó giúp bạn đạt được mức thu nhập cao và sở hữu sức cạnh tranh mạnh hơn.

KHÔNG NÊN là người đề cập trước về vấn đề lương

“Bất cứ ai đề cập đến chuyện lương bổng trước đều là người thua cuộc”, Palmer chia sẻ. “Bởi một khi bạn, dù là người tìm việc hay nhà tuyển dụng, nêu ra mức lương cụ thể nghĩa là đã tạo cho đối phương một vị thế mạnh hơn để đàm phán. Vì thế, khi nhà tuyển dụng hỏi bạn đang tìm kiếm gì thì tốt nhất nên nói ‘Anh/chị có thể cho tôi biết mức lương của vị trí này?’ Bởi nếu ngay lập tức đưa ra một con số thì những thảo luận và thương lượng sau đó sẽ xoay quanh con số này. Và ngược lại cũng đúng như vậy. Khi đại diện công ty đưa ra mức đề nghị trước, thì tiến trình đàm phán sẽ bắt đầu từ đó. Cho nên, mối quan tâm hàng đầu của mọi ứng viên phải là cố hết sức có thể tránh đưa ra số tiền mình muốn nhận được trước.”

HÃY đưa ra khoảng lương bạn chấp nhận

Nếu bị ép phải đưa ra mức lương mong muốn, đừng quá lo lắng, bạn vẫn có cách để đàm phán mà không rơi vào thế bị động, không sợ nói hớ hay tự trói buộc mình. “Đừng đóng khung mình vào con số quá cụ thể”, Palmer khuyên. Thay vào đó, hãy đưa ra khoảng lương từ bao nhiêu đến bao nhiêu là phạm vi bạn có thể chấp nhận. Tóm lại thì “Vẫn còn rất  nhiều cơ hội để bạn có cuộc đàm phán có lợi cho mình, miễn sao bạn đừng tự trói mình vào một con số không thể thay đổi”.

KHÔNG NÊN chấp nhận ngay đề nghị lương đầu tiên

Trong trường hợp bạn đã thuyết phục được người phỏng vấn nêu mức lương của nhà tuyển dụng trước, thì hãy nhớ rằng đây chỉ mới là đề nghị đầu tiên. “Thông thường, đề nghị đầu tiên không phải là đề nghị tốt nhất của công ty”, Palmer nhận định. “Bạn hãy cố gắng thương lượng ngay cả khi sự cạnh tranh cho công việc đang vô cùng gay gắt. Có thể bạn không đạt được mức thu nhập mơ ước, nhưng nỗ lực đàm phán là nên làm và xứng đáng được khuyến khích. Bạn sẽ không muốn mình có cảm giác bị bóc lột hay lợi dụng năng lực quá mức sau khi đã bắt đầu công việc đâu!”

HÃY yêu cầu một cách trôi chảy và mạnh mẽ

Không phải mọi cuộc trao đổi về tiền bạc đều sẽ diễn ra nhẹ nhàng suôn sẻ, nhưng chẳng có bất cứ lý do gì đủ để ngăn cản chúng ta nhận lấy sự trả công thích đáng cho những đóng góp của mình, dù bằng hình thức nào. Palmer khuyên rằng nếu bạn là người ra giá thì hãy thương lượng bằng cách chứng minh những năng lực tương ứng của bản thân so với yêu cầu công việc, nhấn mạnh giá trị bạn mang lại cho công ty. “Nhà tuyển dụng sẽ không ấn tượng với ứng viên cố gắng thuyết phục dựa trên những gì bạn từng được nhận ở công ty trước. Thị trường lao động không thiếu những nhân sự chất lượng. Nhưng bạn sẽ nắm vị thế cao hơn khi đàm phán nếu hội đủ tiêu chuẩn và khớp với những gì công ty tìm kiếm.” Hãy trích dẫn thông tin từ báo cáo cụ thể nhằm minh chứng mạnh mẽ và xác đáng cho những lập luận về mức lương mà bạn đề nghị.

ĐỪNG quên khám phá thêm các lợi ích và đặc quyền khác

Nếu không thể có được những gì bạn muốn từ quan điểm tiền tệ, bạn vẫn có thể thủ sẵn trong tay một vài “thủ thuật” để thương lượng về một quyền lợi tốt hơn cho công việc này. Palmer chia sẻ, “Bảo hiểm y tế và ngày nghỉ phép hưởng lương cũng rất có giá trị, bạn không nên xem nhẹ và có thể trao đổi được. Ví dụ: Nếu đã có những gói bảo hiểm sức khoẻ và y tế tự mua từ trước hoặc thông qua người thân như vợ chồng, bạn có thể đề nghị một mức lương cao hơn và thay vào đó công ty không phải đóng bảo hiểm y tế. Hoặc bạn có thể đàm phán để sở hữu nhiều ngày phép hơn trong một năm, đặc biệt là khi bạn có những kế hoạch du lịch xa hay thực hiện các nhiệm vụ chăm lo cho con cái…

Dù rằng đàm phán lương thưởng luôn được xem là nhiệm vụ gây hao tổn năng lượng và sức ép lên thần kinh, tuy nhiên đây vẫn là một bước quan trọng để đảm bảo rằng bạn sẽ nhận một công việc tốt với mức chi trả xứng đáng với công sức và khả năng. Hãy luôn chuẩn bị và rèn luyện tốt kỹ năng này cho bản thân để trong những lần phỏng vấn tìm việc sắp tới, đây sẽ là một bước mà bạn muốn tham gia, đã sẵn sàng và tự tin vượt qua! 

(Nguồn hình: Internet)

 

Jobs List

createComments
Send me similar jobs
Create job alert