Phần đông người lao động vi phạm chính sách bảo hiểm thất nghiệp là do thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về pháp luật
Khi nhận được thông báo phải hoàn trả 1 tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) cho cơ quan BHXH mới đây, chị N.T.P (ngụ quận 12, TP HCM) hết sức ngỡ ngàng. Chị P. mất việc năm 2022 và được hưởng TCTN trong thời gian 3 tháng. Đến tháng 9-2022 - tháng cuối cùng được nhận TCTN, chị tìm được công việc mới và tham gia BHXH.
Liên hệ trung tâm dịch vụ việc làm (DVVL) tại địa phương để tìm hiểu nguyên nhân bị truy thu tiền TCTN, P. được nhân viên ở đây giải thích là do chị đã có việc làm mới nhưng không thông báo với cơ quan chức năng theo quy định,
Bà N.H.P.M (ngụ quận 8, TP HCM) cũng nhận được quyết định về việc thu hồi số tiền TCTN hơn 10 triệu đồng. Lý do, bà đã tìm được việc làm trong thời gian 15 ngày tính theo ngày làm việc kể từ khi đăng ký thất nghiệp. Theo bà M., sau khi mất việc, bà đã tìm được việc làm mới song vẫn làm hồ sơ hưởng TCTN, dẫn đến vi phạm khoản 4, điều 49, Luật Việc làm 2013.
Một trường hợp khác là ông N.V.K (ngụ tỉnh Trà Vinh), dù đã tìm được việc làm mới nhưng đến thời hạn, ông không thông báo tìm việc hằng tháng (theo khoản 1 điều 10 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện điều 52 Luật Việc làm 2013). Sau khi rà soát, Trung tâm DVVL TP HCM (CSE) đã tạm dừng cho ông K. hưởng TCTN vì vi phạm Luật Việc làm 2013; đồng thời đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) thành phố ra quyết định thu hồi số tiền 5,4 triệu đồng.
Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP HCM
Theo số liệu thống kê từ CSE, trong 6 tháng đầu năm 2024, qua kiểm tra, rà soát, trung tâm đã phát hiện 712 trường hợp người lao động (NLĐ) nhận chế độ TCTN sai quy định. Sau nhiều tháng triển khai, CSE đã phối hợp với BHXH TP HCM thu hồi tổng số tiền hơn 6,1 tỉ đồng đối với các trường hợp có hành vi lách luật, hưởng sai chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
BHXH Việt Nam cho biết từ năm 2015 đến nay, cùng với sự gia tăng số người hưởng BHTN, tình trạng vi phạm chính sách này cũng trở nên phổ biến. Trong 5 tháng đầu năm 2023, qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện hơn 2.800 trường hợp hưởng sai, phải thu hồi trên 15 tỉ đồng. Tính từ năm 2021 tới cuối tháng 5-2023, số tiền hưởng TCTN sai phải thu hồi là khoảng 25 tỉ đồng.
Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc CSE, cho rằng nguyên nhân xảy ra tình trạng vi phạm BHTN là do việc đăng ký hưởng TCTN hiện nay khá dễ dàng; nhận thức về BHTN của một bộ phận NLĐ và người sử dụng lao động còn chưa cao.
Ngoài ra, nhiều NLĐ có việc làm mới nhưng không khai báo với trung tâm DVVL để dừng hưởng TCTN mà vẫn nhận khoản trợ cấp. "Thậm chí, có trường hợp NLĐ và đơn vị sử dụng lao động "thỏa thuận ngầm" chấm dứt hợp đồng lao động để hưởng TCTN trong khi thực tế NLĐ vẫn làm việc" - bà Thục dẫn chứng.
Các số liệu thống kê từ ngành BHXH và LĐ-TB-XH cho thấy hầu hết NLĐ vi phạm chính sách BHTN là công nhân, tập trung nhiều ở nhóm lao động làm việc tại KCN-KCX. Đa số họ không cố ý trục lợi TCTN mà do nhiều nguyên nhân khác, trong đó chủ yếu là thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về pháp luật.
Theo ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TP HCM, do còn thiếu công cụ để quản lý nên rất khó kiểm soát tình trạng việc làm của NLĐ. Mặt khác, chưa có sự đồng bộ dữ liệu giữa ngành BHXH với LĐ-TB-XH, dẫn đến kết quả rà soát số trường hợp hưởng sai chính sách BHTN chưa đồng nhất.
Bên cạnh đó, việc chưa có quy định cụ thể về cơ quan thu hồi tiền TCTN hưởng sai quy định; quy trình thu hồi tiền TCTN qua nhiều khâu và cơ quan khác nhau... cũng là những nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng nêu trên.
"Các hành vi vi phạm chính sách bảo hiểm đã làm ảnh hưởng đến việc cân đối thu - chi quỹ BHXH, BHTN. Thời gian tới, các quy định về BHTN sẽ được sửa đổi chặt chẽ hơn để hạn chế tối đa tình trạng lạm dụng, trục lợi" - ông Hà nhấn mạnh.
Người lao động