Register

Cải cách căn bản tiền lương bắt đầu từ 2024

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh kế hoạch thực hiện cải cách chính sách tiền lương một cách căn bản trong năm 2024.

Tích cực chuẩn bị để cải cách tiền lương

Phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, nguồn nhân lực được coi là động lực nội sinh cốt lõi của nền kinh tế.

Ngân hàng Thế giới cho rằng, giải pháp chủ yếu để đạt được tốc độ tăng trưởng với năng suất cao hơn nằm ở việc cải thiện các vấn đề của lực lượng lao động trẻ hiện nay.

Trên cơ sở đó, cần mở rộng độ bao phủ, phổ cập giáo dục và nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng kỹ năng, đạo đức kinh doanh....

Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường đào tạo kỹ năng nghề, chú trọng đầu tư, chuẩn bị trước một bước nguồn nhân lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong tương lai...

Theo Chủ tịch Quốc hội, từ nay đến năm 2028, Việt Nam cần 50.000 lao động chất lượng cao cho nền công nghiệp bán dẫn. Từ đó, ưu tiên đào tạo nhân tài và các kỹ năng mới là chính sách hàng đầu của Việt Nam trong giai đoạn phát triển tới đây.

Ông nói thêm Ngân hàng Thế giới đề nghị Việt Nam tiếp tục nỗ lực hoàn thiện hệ thống bảo trợ xã hội mang tính thích ứng, tích hợp, dễ điều chỉnh và hiện đại để bảo vệ các hộ gia đình trước những cú sốc một cách hiệu quả hơn, đồng thời cải thiện độ bao phủ bảo hiểm xã hội để tăng tính đối phó với rủi ro thất nghiệp và đảm bảo thu nhập khi về già.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến việc sớm thực hiện cải cách chính sách tiền lương một cách căn bản trong năm 2024. "Đây cũng là một cú hích cho thị trường lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa", ông Huệ nhận định.

Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, đây là cải cách căn cơ chính sách tiền lương, không phải tăng lương bình thường định kỳ. Nếu không có gì thay đổi, thời điểm cả nước có thể thực hiện chính sách tiền lương mới là từ 1/7/2024.

"Các cơ quan đang tích cực chuẩn bị về nguồn lực, thể chế, chính sách thang bảng lương... để thực hiện cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27 của Ban chấp hành Trung ương", ông Huệ nói thêm.

Điểm mới trong cải cách tiền lương

Thực tế, 16/9 vừa qua là hạn chót để Bộ Nội vụ hoàn thiện Đề án cải cách tiền lương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Một trong những điểm chính khi cải cách tiền lương là xóa bỏ tiền lương cơ sở.

Theo đó, lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công) sẽ được thiết kế gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương).

Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Bên cạnh đó, đề án cải cách tiền lương xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng, gồm: Cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập.

Cải cách căn bản tiền lương bắt đầu từ 2024
Khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ xóa bỏ lương cơ sở.

Điểm mới khi cải cách tiền lương là xác định vai trò của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc sử dụng quỹ tiền lương.

Theo đó, người đứng đầu được sử dụng kinh phí chi thường xuyên được giao hằng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và quyết định mức chi trả thu nhập tương xứng với nhiệm vụ được giao.

Jobs List

createComments