Đóng bảo hiểm hơn 18 năm, nên rút một lần hay đóng thêm để có lương hưu?

(Dân trí) - Ông Toàn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) được 18 năm 8 tháng thì bị đột quỵ, không thể tiếp tục làm việc. Ông băn khoăn, cân nhắc nên rút bảo hiểm xã hội một lần hay không.

Ông Toàn sinh năm 1968, là tài xế lái xe tại một đơn vị cấp sở của TPHCM. Cuối năm 2023, ông bất ngờ bị đột quỵ, được cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng.

Tuy nhiên, sau đột quỵ, sức khỏe của ông kém và có nguy cơ cao nếu tiếp tục theo nghề tài xế, gây nguy hiểm cho người khác. Do đó, ông đã xin nghỉ việc từ tháng 4/2024 và đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Tính đến thời điểm nghỉ việc, ông đã tham gia BHXH bắt buộc được 18 năm 8 tháng. Ông đang băn khoăn giữa việc nên tiếp tục đóng BHXH cho đủ 20 năm để nhận lương hưu hay chờ đến thời điểm tháng 4/2025 để rút BHXH một lần.

Chị Ngọc Hân cũng có băn khoăn như trên vì được nhiều người khuyên nên rút BHXH một lần. Chị Hân mới 33 tuổi, đóng BHXH bắt buộc được 7 năm. Nếu đóng tiếp BHXH thì đến khi chị đóng đủ 20 năm BHXH cũng chưa đủ tuổi hưởng lương hưu.

"Nhiều người khuyên tôi nên rút BHXH một lần sớm để lấy tiền đầu tư. Trường hợp này, tôi rút BHXH một lần sớm sẽ lợi hơn hay đóng tiếp để lãnh lương hưu có lợi hơn?", chị Hân hỏi.

Đóng bảo hiểm hơn 18 năm, nên rút một lần hay đóng thêm để có lương hưu?

Lương hưu sẽ giúp người già đảm bảo an ninh tài chính (Ảnh minh họa: BHXH TPHCM).

Theo BHXH TPHCM, trong mọi trường hợp, người lao động rút BHXH một lần đều bất lợi hơn so với việc chờ hưởng lương hưu.

Việc nhận BHXH một lần chỉ là giải quyết khó khăn trước mắt nhưng để lại gánh nặng lâu dài cho bản thân người lao động, gia đình và xã hội.

Bởi ngay khi hưởng BHXH một lần, toàn bộ thời gian đã đóng BHXH trước đó của người lao động sẽ trở về con số 0, rất khó để tiếp tục tham gia và đủ điều kiện hưởng lương hưu khi về già.

Trong khi đó, nếu người lao động tiếp tục tham gia BHXH cho đến khi đủ điều kiện hưởng lương hưu thì sẽ được hưởng rất nhiều quyền lợi đảm bảo cuộc sống an nhàn khi bản thân hết sức khỏe để làm việc.

Thứ nhất, người lao động sẽ được nhận lương hưu hằng tháng cho đến khi qua đời. Mức lương hưu không phải là một mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ sẽ được Chính phủ điều chỉnh tăng để đảm bảo giá trị theo thời giá.

Với khoản thu nhập cố định này, người lao động sẽ được đảm bảo an ninh tài chính khi về già, không phụ thuộc con cháu hay nhờ vả người thân, xã hội.

Thứ hai, người hưởng chế độ hưu trí được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí từ khi hưởng lương hưu đến khi chết với quyền lợi hưởng cao.

Mức hưởng BHYT của người hưởng chế độ hưu trí là 95%, trong khi mức hưởng BHYT của người mua BHYT hộ gia đình chỉ là 80%.

Trong khi đó, càng về già, người lao động có nguy cơ đối mặt nhiều hơn với ốm đau, chi phí y tế sẽ càng nặng nề.

Với chế độ BHYT ưu việt trên, người hưởng hưu trí sẽ giảm nhiều gánh nặng khi chẳng may bệnh tật, ốm đau nhờ quỹ BHYT chia sẻ phần lớn nguồn kinh phí khám chữa bệnh.

Thứ ba, thời gian hưởng lương hưu, nếu không may người hưởng lương hưu chết thì thân nhân của họ sẽ được hưởng chế độ tử tuất.

Chế độ tử tuất của người đang hưởng lương hưu bao gồm: Trợ cấp mai táng phí bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người hưởng lương hưu chết; trợ cấp tuất hàng tháng (mức trợ cấp bằng 50% hoặc 70% mức lương cơ sở) hoặc trợ cấp tuất một lần.

Theo BHXH TPHCM, nếu người lao động tham gia BHXH đến khi hưởng lương hưu sẽ được hưởng rất nhiều quyền lợi.

Trong khi đó, nếu họ nhận BHXH một lần thì chỉ được hưởng một số tiền cố định duy nhất là hết. Đặc biệt, số tiền khi nhận BHXH một lần còn ít hơn so với số tiền mà người lao động và người sử dụng lao động đã đóng vào Quỹ BHXH.

Do đó, BHXH TPHCM khuyên người lao động nên cân nhắc việc lựa chọn hưởng chế độ BHXH như thế nào cho hiệu quả, đảm bảo quyền lợi lâu dài cho mình, đặc biệt là khi hết tuổi lao động, già yếu.

Báo Dân Trí

Jobs List

createComments
Send me similar jobs
Create job alert