Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi): Bỏ đề xuất gây "sốc" về điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp

(NLĐO) - Việc loại bỏ đề xuất gây "sốc" về điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp thể hiện sự tiếp thu, cầu thị của ban soạn thảo, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động

Theo đề xuất tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) mới nhất, người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt công việc đối với các vị trí như quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, cũng như người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng lương. Tuy nhiên, có một số trường hợp ngoại lệ không được hưởng trợ cấp:

- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định Bộ Luật Lao động; Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc không đúng quy định của Luật Viên chức;

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi): Bỏ đề xuất gây "sốc" về điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại sàn việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM tổ chức. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức; Người lao động hưởng lương hưu; Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Như vậy, đối chiếu với bản dự thảo trước đó, quy định này đã có sự tiếp thu, điều chỉnh. Cụ thể, trước đó, dự thảo đề xuất các trường hợp đang đóng bảo hiểm thất nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, gồm:

- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao đông, hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước theo quy định Bộ luật Lao động;

- Người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức;

Người lao động hưởng lương hưu; Người lao đông đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu.

Đề xuất không cho người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía doanh nghiệp, người lao động và các chuyên gia. Điều này là do quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động đã được công nhận tại Điều 35 Bộ Luật Lao động năm 2019.

Theo quy định này, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần lý do, chỉ cần tuân thủ đúng thời gian báo trước theo quy định. Do vậy, đề xuất trên không chỉ mâu thuẫn với tinh thần của Bộ Luật Lao động mà còn hạn chế quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Theo ông Phạm Văn Hiền, phó Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, việc loại bỏ đề xuất gây "sốc" này thể hiện sự tiếp thu, cầu thị của ban soạn thảo, từ đó đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động, góp phần xây dựng chính sách phù hợp thực tiễn.

Còn chị Phạm Thị Lợi, công nhân một công ty tại quận 12, TP HCM, thì thở phào khi hay tin đề xuất bất lợi trên bị hủy bỏ. Theo chị Lợi, đa phần lao động nghỉ việc đều xuất phát từ sự chủ động của họ, tức người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Lý do nghỉ việc thì thường là do hoàn cảnh gia đình, không có người chăm sóc con nhỏ, sức khỏe không đảm bảo, công việc không phù hợp, mâu thuẫn với quản lý, đồng nghiệp… 

"Quỹ bảo hiểm thất nghiệp có phần đóng góp của người lao động nên khi nghỉ việc đúng luật và chưa tìm được việc làm mới chúng tôi có quyền hưởng quyền lợi từ việc đóng góp của mình để bù đắp một phần thu nhập, giảm bớt khó khăn khi thất nghiệp. Tôi nghĩ đây là đòi hỏi hoàn toàn chính đáng của người lao động" - chị Lợi nói.

Người lao động

Jobs List

createComments
Send me similar jobs
Create job alert