Luật BHXH sửa đổi cần bổ sung quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản cho các trường hợp hiếm muộn phải nghỉ việc không lương dài ngày.
Chị Lê Thúy L. làm công nhân tại nhà máy sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Bắc Ninh, chị L. đã lấy chồng gần 2 năm chưa có con. Khi đi khám chị được bác sĩ kết luận chị bị vô sinh thứ phát cần phải can thiệp y khoa.
Để hoàn thành thiên chức làm mẹ, trong quá trình chữa trị, chị L. thường xuyên phải xin nghỉ không lương kéo dài, nên thời gian đóng BHXH bị gián đoạn khi sinh con chị không được hưởng chế độ thai sản.
Ông Nguyễn Thái Dương, Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, hiện nay công nhân lao động ngành may có nhiều trường hợp hiếm muộn và phải áp dụng các biện pháp y khoa để điều trị cho cả hai vợ chồng hoặc thụ tinh ống nghiệm...
Nhất là lao động nữ thường phải nghỉ dài ngày từ 3-6 tháng, thậm chí hàng năm mới có thể mang thai và khi mang thai cũng phải nghỉ lao động để theo dõi.
Do phải nghỉ việc không lương trên 14 ngày, nên lao động nữ bị gián đoạn thời gian đóng BHXH và không đáp ứng được điều kiện đóng từ đủ 3-6 tháng trong thời gian 12 tháng liền kề trước khi sinh con như luật hiện hành. Vì vậy lao động nữ không được hưởng chế độ thai sản (dưỡng thai, hưởng chế độ khi sinh con) mặc dù trước đó lao động nữ đã có thời gian đóng BHXH 5 năm liên tục trở lên.
Chuyên gia lao động cho rằng, dự thảo Luật BHXH sửa đổi cần bổ sung quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản cho các trường hợp hiếm muộn phải nghỉ việc không lương dài ngày. Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng
Theo kết quả tổng điều tra dân số năm 2019 và công bố của Cục Dân số - Bộ Y tế trong những năm gần đây, 21 tỉnh, thành có mức sinh rất thấp và đang phải thực hiện các giải pháp khuyến sinh.
Tại các tỉnh, thành này là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp dệt may đóng trên địa bàn.
Vì vậy, ông Nguyễn Thái Dương kiến nghị dự luật nên bổ sung thêm quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản cho các trường hợp hiếm muộn phải nghỉ việc không lương dài ngày để điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền đối với lao động nữ đã có thời gian đóng BHXH 5 năm liên tục trở lên.
Một chuyên gia lao động cho rằng, với những cặp vợ chồng hiếm muộn vấn đề quan trọng hàng đầu là có con và nuôi dưỡng thai cho đến khi “mẹ tròn con vuông”. Tuy nhiên những cặp vợ chồng hiếm muộn thường phải ngược xuôi chữa trị, mất thời gian công sức nên thường xuyên phải xin nghỉ làm.
Trong khi Luật BHXH hiện hành quy định nghỉ không lương làm gián đoạn thời gian đóng BHXH sẽ rất thiệt thòi cho lao động hiếm muộn.
Do vậy dự thảo Luật BHXH sửa đổi cần bổ sung quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản cho các trường hợp hiếm muộn phải nghỉ việc không lương dài ngày. Việc này giúp người lao động yên tâm sau khi mang thai và sinh con vẫn đảm bảo chế độ thai sản.
Vietnamnet