(Dân trí) - Chị Nguyễn Thị A. đang mang thai 23 tuần. Hết tháng 4, chị A. đến hạn tái ký hợp đồng nhưng lo chủ sử dụng lao động sẽ không gia hạn mà cho chị nghỉ việc khi hết hợp đồng hiện tại.
Chị A. hỏi: "Công ty có quyền cắt hợp đồng của tôi không? Nếu tôi bị cắt hợp đồng vào tháng 4 (khi đã bước sang tuần thứ 27 của thai kỳ) thì có được hưởng chế độ thai sản không?".
Doanh nghiệp phải ưu tiên gia hạn hợp đồng cho lao động nữ đang mang thai (Ảnh minh họa: Fox News).
Trả lời chị A, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, pháp luật lao động có quy định để bảo vệ lao động nữ trong thời gian mang thai, thể hiện tại Khoản 3 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019.
Theo đó, người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Quy định trên không áp dụng trong trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.
Quy định này cũng không áp dụng trong trường hợp người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc UBND cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
Trong trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai như trường hợp chị A. thì luật quy định chị A. phải được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới.
Về việc chị A. có được hưởng thai sản hay không khi nghỉ việc vào tháng 4, BHXH Việt Nam cho biết phải căn cứ vào thực tế tham gia BHXH của chị A. trước thời điểm nghỉ việc.
Theo BHXH Việt Nam, điều kiện hưởng chế độ thai sản được quy định rõ tại khoản 1, 2 Điều 31 Luật BHXH 2014.
Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 hướng dẫn chi tiết về điều kiện hưởng chế độ thai sản tại Khoản 1 Điều 9, quy định cách xác định thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
Thứ nhất, trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
Thứ hai, trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng BHXH thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Trường hợp tháng đó không đóng BHXH thì không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
Như vậy, để được hưởng chế độ thai sản, chị A. cần có thời gian tham gia BHXH bắt buộc từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Căn cứ vào thực tế thời điểm sinh con và quá trình tham gia BHXH trước khi sinh con, chị A. có thể xác định mình có đủ điều kiện để hưởng chế độ thai sản hay không.
Báo Dân trí.