Cần thực hiện đồng bộ nhiều chính sách để cải thiện chế độ hưu trí, giữ người lao động ở lại hệ thống an sinh
Lo lắng lương hưu không đủ sống nên cách đây vài năm, bà Võ Thị Ngọc Hà (53 tuổi) - hiện là quản lý tại một công ty may mặc ở KCN Tân Bình, TP HCM - đã kiến nghị doanh nghiệp (DN) nâng mức đóng BHXH của mình lên sát với thu nhập thực tế. Dù biết tiền lương thực nhận mỗi tháng sẽ ít đi nhưng bà Hà chấp nhận để cuộc sống khi về hưu không quá thiếu thốn.
Trước đây, bà Hà là công nhân (CN) trực tiếp sản xuất. Công ty trả lương sản phẩm, thu nhập mỗi tháng không cố định nên căn cứ vào mức lương tối thiểu (LTT) vùng cộng với phụ cấp tay nghề (7%) để đóng BHXH cho người lao động (NLĐ). Một số ít CN có mức đóng cao hơn do có phụ cấp thâm niên. Vì thế, sau nhiều năm, dù thu nhập của NLĐ đã tăng cao so với trước nhưng mức đóng BHXH vẫn cứ theo sát LTT vùng. Kể cả khi bà được nâng lên vị trí quản lý thì DN vẫn hoãn việc điều chỉnh mức đóng BHXH.
Cần thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện chế độ hưu trí, thu hút người lao động ở lại hệ thống an sinh
Gia đình neo người, chồng mất, chỉ có một người con nên bà xác định làm việc đến khi nghỉ hưu nhưng mức đóng quá thấp khiến bà lo lắng lương hưu không đáp ứng cuộc sống. Vì vậy, bà nhiều lần kiến nghị DN tăng mức đóng BHXH bằng hoặc chỉ thấp hơn 20%-30% tổng lương hằng tháng.
Ban đầu DN từ chối vì nếu tăng cho bà thì cũng phải đóng tăng cho các trường hợp khác, song xét thấy vị trí công việc mà bà đảm nhiệm chỉ có một vài người nên đã chấp nhận. "Hiện khoản tiền tôi đóng BHXH mỗi tháng khoảng 1,1 triệu đồng. Giảm thu nhập thì cũng xót nhưng lương hưu của tôi sẽ cải thiện" - bà Hà nói.
Tình trạng DN đóng BHXH cho NLĐ thấp hơn nhiều so với thu nhập thực tế diễn ra khá phổ biến dù những năm qua, tiền lương tháng đóng BHXH trong khu vực DN đã được cải thiện. Theo bà Võ Thị Sáu, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Ampfield, hiện nhiều DN chỉ đóng BHXH theo LTT vùng và tách các khoản phụ cấp, khoản bổ sung khác để giảm chi phí đóng BHXH nên NLĐ rất thiệt thòi khi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, BHXH một lần, nhất là chế độ hưu trí.
Chính sách BHXH đi theo nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ, vì vậy bà Sáu rất đồng tình với việc nâng mức đóng BHXH. Tuy nhiên, cần có sự hài hòa vì thực tế nhiều NLĐ cũng đồng thuận với mức đóng thấp để giữ thu nhập hằng tháng nên cần có lộ trình tăng mức đóng cho phù hợp để cả DN và NLĐ thích ứng.
Bà Phan Thị Minh Thu, Giám đốc Công ty TNHH Giày dép Vĩnh Phong (KCN Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP HCM), nhìn nhận việc nâng mức đóng BHXH sẽ tạo gánh nặng cho DN, nhất là sau giai đoạn sản xuất cầm chừng do dịch bệnh. Song quan điểm của DN là tuân thủ các quy định của pháp luật, chú trọng lợi ích của NLĐ nên trong trường hợp Luật BHXH có quy định điều chỉnh mức đóng BHXH theo tỉ lệ % tổng tiền lương hằng tháng của NLĐ.
Về mức đóng BHXH, trong báo cáo tóm tắt tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội (QH) Nguyễn Thúy Anh trình bày tại kỳ họp thứ 7 nêu rõ quan điểm của Ủy ban Thường vụ QH, quy định căn cứ đóng BHXH của khu vực DN ít nhất bằng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của NLĐ theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. Quy định này nhằm hài hòa với khu vực nhà nước sau cải cách tiền lương, bảo đảm mọi NLĐ khi về già có mức lương hưu không thấp hơn mức sống tối thiểu.
Ông Lê Anh Khoa, Phó Chủ tịch Công đoàn các DN Công ích và Dịch vụ Thương mại TP HCM, cho rằng để nâng mức đóng BHXH cho NLĐ thì các cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm soát được thang, bảng lương của DN. Hiện có nhiều phụ cấp thuộc diện không đóng BHXH, DN vịn vào đó để chia nhỏ tiền lương của NLĐ sang các loại phụ cấp này và đóng BHXH với mức tối thiểu.
Điều này gây thiệt thòi lợi ích lâu dài của NLĐ. Do vậy, ông Khoa đề xuất cần siết dần các loại phụ cấp không tính đóng BHXH và đưa vào phụ cấp tính đóng BHXH. Đây cũng là cách để tăng dần mức đóng BHXH sát với thu nhập thực tế của NLĐ.
Ông Nguyễn Phước Đại, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Juki Việt Nam (KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM), cho rằng nâng mức đóng là giải pháp quan trọng nhưng cần điều chỉnh, bổ sung nhiều chính sách khác. Theo ông Đại, DN nơi ông làm việc luôn làm tốt việc xây dựng thang, bảng lương cũng như đóng BHXH theo tiền lương thực tế của NLĐ. Vì vậy, tại DN không có tình trạng có 2 - 3 bảng lương để đối phó.
Song thực tế, một số CN sau khi nghỉ hưu nhận mức lương hưu thấp, chưa tới 3 triệu đồng/tháng. Nguyên do là những CN này tham gia BHXH từ rất sớm (từ năm 1995 - 2004), tiền lương của họ khi ấy chỉ từ vài trăm ngàn đồng đến hơn 1 triệu đồng/tháng. Dù vẫn đóng BHXH dựa trên tổng tiền lương nhưng khi chia cả quá trình để tính lương hưu thì lương hưu không đủ sống.
"Mức đóng là một phần nguyên nhân khiến lương hưu thấp. Do vậy, cần xem lại hệ số trượt giá để tính lương hưu cho NLĐ có thời gian tham gia BHXH sớm" - ông Đại nói.
Theo đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn đại biểu QH tỉnh Tuyên Quang), dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bỏ sàn lương hưu thấp nhất, bởi từ ngày 1-7 không còn mức lương cơ sở. Như vậy, nếu xem mức lương hưu thấp nhất là tầng thấp nhất hưu trí xã hội (dự kiến 500.000 đồng/người/tháng) thì sẽ kéo lùi tiến bộ an sinh xã hội. Do vậy, đại biểu đề nghị QH, Chính phủ bổ sung quy định về mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức tham chiếu (thay cho mức lương cơ sở).
Người lao động