Những khoản trợ cấp được tính theo mức lương tham chiếu mới

(Dân trí) - Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2024 có khái niệm mới là mức tham chiếu thay thế cho mức lương cơ sở. Nhiều chế độ trợ cấp bảo hiểm được tính theo mức tham chiếu này.

Mức tham chiếu là gì?

Luật BHXH (sửa đổi) năm 2024 có 22 lần nhắc đến "mức tham chiếu" tại 12 điều.

Theo Điều 7 Luật BHXH năm 2024, mức tham chiếu là mức tiền do Chính phủ quyết định dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ BHXH.

Mức tham chiếu không cố định mà được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ BHXH.

Về cơ bản, mức tham chiếu sẽ thay thế cho mức lương cơ sở để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ BHXH theo quy định BHXH hiện hành (theo Luật BHXH năm 2014).

Do đó, mức tham chiếu sẽ ảnh hưởng đến lương hưu, mức đóng BHXH và 6 khoản trợ cấp BHXH.

Mức tham chiếu sẽ do Chính phủ quy định chi tiết. Tuy nhiên, hiện tại mức tham chiếu chưa được ban hành nên Luật BHXH năm 2024 có quy định chuyển tiếp khi thực hiện khái niệm mới này tại Điều 141.

Theo Khoản 13 Điều 141, khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở thì mức tham chiếu quy định tại Luật BHXH năm 2024 bằng mức lương cơ sở. Tại thời điểm mức lương cơ sở bị bãi bỏ thì mức tham chiếu không thấp hơn mức lương cơ sở đó.

Mức tham chiếu ảnh hưởng nhiều chế độ BHXH (Ảnh minh họa: BHXH TPHCM).

Lương hưu tối thiểu

Theo Khoản 11 Điều 141, người lao động là công dân Việt Nam đã tham gia BHXH bắt buộc trước ngày Luật BHXH năm 2024 có hiệu lực thi hành (1/7/2025) mà có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 20 năm trở lên thì mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức tham chiếu.

Mức đóng BHXH tối thiểu và tối đa

Căn cứ đóng BHXH bắt buộc được quy định tại Khoản 1 Điều 31 Luật BHXH năm 2024, trong đó mức đóng tối đa và tối thiểu được tính căn cứ vào mức tham chiếu.

Cụ thể, theo Mục đ Khoản 1 Điều 31, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.

Theo Mục d Khoản 1 Điều 31, có 4 nhóm tham gia BHXH bắt buộc được lựa chọn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Tuy nhiên, mức đóng tối thiểu và tối đa cũng tuân thủ theo quy định thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu.

Những khoản trợ cấp được tính theo mức lương tham chiếu mới
Những khoản trợ cấp được tính theo mức lương tham chiếu mới

Sau ít nhất 12 tháng thực hiện đóng BHXH theo tiền lương làm căn cứ đóng BHXH đã lựa chọn thì người lao động được lựa chọn lại tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.

Căn cứ đóng BHXH tự nguyện được quy định tại Khoản 2 Điều 31. Theo đó, mức đóng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.

Điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc

Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc để tính mức bình quân của người lao động sẽ được điều chỉnh tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí, trợ cấp BHXH.

Đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương này được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng.

Theo Khoản 1 Điều 73 Luật BHXH năm 2024, đối với người lao động đóng BHXH bắt buộc theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định trước ngày 1/1/2016 thì tiền lương này được điều chỉnh theo mức tham chiếu tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí.

Nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tính theo mức mới
Mức hưởng nghỉ việc dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau được quy định tại Khoản 3 Điều 46 Luật BHXH năm 2024.

Theo đó, mức hưởng cho một ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau bằng 30% mức tham chiếu.

Mức trợ cấp thai sản một lần

Mức trợ cấp thai sản một lần khi sinh con, nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi được quy định tại Khoản 4 Điều 58 Luật BHXH năm 2024.

Theo đó, mức trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức tham chiếu tại tháng lao động nữ sinh con, nhận con do nhờ mang thai hộ, nhận nuôi con nuôi.

Những khoản trợ cấp được tính theo mức lương tham chiếu mới
Những khoản trợ cấp được tính theo mức lương tham chiếu mới

Mức hưởng nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản

Mức hưởng nghỉ việc dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản được quy định tại Khoản 3 Điều 60 Luật BHXH năm 2024.

Theo đó, mức hưởng cho một ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản bằng 30% mức tham chiếu.

Mức hưởng trợ cấp mai táng

Trợ cấp mai táng đối với người tham gia BHXH bắt buộc được quy định tại Điều 85 Luật BHXH năm 2024.

Theo đó, mức trợ cấp mai táng dành cho thân nhân người lao động tham gia BHXH bắt buộc bằng 10 lần mức tham chiếu tại tháng mà người đó chết.

Trợ cấp mai táng đối với người tham gia BHXH tự nguyện được quy định tại Điều 109 Luật BHXH năm 2024.

Theo đó, mức trợ cấp mai táng dành cho thân nhân người tham gia BHXH tự nguyện từ đủ 60 tháng trở lên bằng 10 lần mức tham chiếu tại tháng mà người đó chết.

Trợ cấp tuất hằng tháng

Theo Điều 87 Luật BHXH năm 2024, trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân người lao động tham gia BHXH bắt buộc bằng 50% mức tham chiếu.

Trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức tham chiếu.

Trường hợp có từ 2 người chết trở lên thì thân nhân được hưởng 2 lần mức trợ cấp trên.

Trợ cấp tuất một lần

Mức trợ cấp tuất một lần được quy định tại Điều 89 Luật BHXH năm 2024. Theo đó, mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc hoặc đang bảo lưu thời gian đóng mà qua đời được tính theo mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.

Khi tính mức bình quân thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cũng sẽ được điều chỉnh theo mức tham chiếu đối với người lao động đóng BHXH bắt buộc theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định trước ngày 1/1/2016.

Báo Dân Trí

Jobs List

createComments
Send me similar jobs
Create job alert