(NLĐO)- Nội dung được quan tâm là phương án rút BHXH một lần hợp lý nhất và rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm để hưởng lương hưu.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, sáng 27-5, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).
Một trong những vấn đề được đông đảo người dân quan tâm vẫn là phương án rút BHXH một lần được thiết kế như thế nào là hợp lý nhất. Kể từ thời điểm dự thảo Luật BHXH sửa đổi được đưa ra lấy ý kiến đến nay, đây cũng là vấn đề nhận được nhiều ý kiến đóng góp cả từ phía các chuyên gia lẫn người lao động.
Người lao động làm thủ tục rút BHXH 1 lần tại BHXH quận 12, TP HCM
Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang đưa ra 2 phương án về rút BHXH một lần:
Phương án 1: người lao động sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu được rút BHXH một lần.
Phương án 2: người lao động chỉ được rút BHXH không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.
Trong 20 năm làm việc, anh Trần Minh Hiếu (công nhân may mặc tại quận Bình Tân, TP HCM) đã có 2 lần rút BHXH một lần. Lần gần đây nhất, anh rút khi đã tham gia BHXH được gần 5 năm.
Nhiều năm làm công nhân, đa phần làm trong ngành dệt may, da giày, thường xuyên làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, mặc dù chưa tuổi chưa đến 40, anh Hiếu cho hay sức khỏe của bản thân có các dấu hiệu sa sút rõ nét, tay chân kém linh hoạt, mắt mờ… Anh nhìn nhận, bản thân không đủ khả năng để gắn bó đến lúc đủ tuổi để hưởng lương hưu. Gia đình anh đã bàn bạc với nhau, nếu phương án 1 được thông qua, sẽ bám trụ thêm 5-10 năm nữa, chiều ngược lại sẽ rút ngắn khoảng thời gian này.
"Biết rằng hưởng chế độ "một cục" sẽ khiến người lao động "mất nhiều hơn được" nhưng để chờ đợi thì không đủ sức. Thử tính toán, tôi và vợ cùng rút BHXH một lần sẽ được khoảng 200 triệu đồng làm vốn, về quê nuôi trồng, buôn bán đắp đổi qua ngày" - anh Hiếu nói.
Nhiều ý kiến đồng thuận với phương án 1 về rút BHXH một lần
Tại Công ty TNHH Ampfield (100% vốn nước ngoài; KCN Tân Bình, TP HCM), qua kết quả khảo sát của Công đoàn cơ sở thì hầu hết công nhân đều ủng hộ phương án 1.
Theo bà Võ Thị Sáu, Chủ tịch Công đoàn công ty một chính sách khi thay đổi cần phải có cột mốc. Đối với những người đang tham gia BHXH, từ khi bắt đầu họ cũng đã mặc định rút BHXH một lần (100%) là một trong những quyền lợi mà họ đương nhiên được hưởng khi có yêu cầu. Vì vậy, một khi quyền lợi này bị siết lại thì họ sẽ cảm thấy thiệt thòi. Vì vậy, nếu siết quy định về rút BHXH một lần thì chỉ nên áp dụng với người mới tham gia. Như vậy, kể cả những người từng rút BHXH một lần, khi bắt đầu tham gia BHXH kể từ sau khi luật mới có hiệu lực, họ cũng phải chấp nhận. Tuy nhiên tôi cho rằng với phương án này cũng phải mở ra với một số trường hợp như bệnh hiểm nghèo, không thể tiếp tục đi làm và tham gia BHXH hay những người đi định cư nước ngoài…
Còn với phương án 2, nếu được thông qua, bà Sáu cho rằng sẽ không thể hạn chế tình trạng rút BHXH một lần. Bởi thực tế, nếu người lao động muốn rút thì 50% họ vẫn sẽ rút và cho đến lúc nghỉ hưu họ cũng khó đạt điều kiện để hưởng lương hưu dù có giảm số năm đóng tối thiểu xuống 15 năm.
Ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc Nhân sự Công ty CP Đại Đồng Tiến (quận 5, TP HCM) đồng tình với việc giảm số năm đóng tối thiểu xuống 15 năm được nhận lương hưu. Theo ông Tài việc này sẽ tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu hằng tháng thay vì nhận BHXH một lần.
Trong Tờ trình gửi Quốc hội, Chính phủ cho hay trong 7 năm thực hiện Luật BHXH năm 2014, có trên 476.000 người hưởng BHXH một lần đã có thời gian tham gia BHXH trên 10 năm với độ tuổi từ 40 tuổi trở lên.
Ngoài ra còn có trên 53.000 người đã hết tuổi lao động phải nhận BHXH một lần do chưa đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc; có trên 20.000 người khi đến tuổi nghỉ hưu chưa đủ thời gian đóng phải đóng một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương hưu. Nếu vẫn quy định thời gian tối thiểu để hưởng lương hưu là 20 năm thì những người này khó có cơ hội nhận lương hưu.
Người lao động