(NLĐO)- Số tiền rút BHXH một lần có thể giải quyết được khó khăn trước mắt, nhưng rồi cũng chỉ đủ trang trải trong vài tháng ngắn ngủi và lại tiếp tục lo mưu sinh cho tuổi già. Thực trạng này rất đáng lo ngại.
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 10 tháng năm 2023, cả nước đã giải quyết cho hơn 947.000 người hưởng BHXH một lần. Con số này tăng 31,38% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm khoảng 5% tổng số người tham gia.
Nhiều chuyên gia phân tích, thực tế khi rút BHXH một lần, người lao động "mất nhiều hơn được". Cái được là họ sẽ có một khoản tiền để giải quyết khó khăn trước mắt nhưng khoản tiền này sẽ nhanh chóng cạn kiệt trong vài tháng, thậm chí hết ngay sau khi nhận được. Nhưng về lâu dài, họ sẽ bị hạn chế rất nhiều quyền lợi.
Người lao động đến BHXH quận 12 để được tư vấn để chế độ BHXH một lần (Huỳnh Như)
Đó là không còn trong hệ thống BHXH được Nhà nước bảo hộ, mất cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng - nguồn thu nhập ổn định, hữu ích khi về già. Họ cũng đồng thời mất đi cơ hội được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu để hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT, chăm sóc sức khỏe khi tuổi già, độ tuổi dễ gặp bất trắc về sức khỏe nhất của mỗi người. Thân nhân của họ cũng không được hưởng chế độ tử tuất khi họ gặp bất trắc và qua đời.
Nhất là khi nhận BHXH một lần thì số tiền người lao động nhận được thiệt hơn so với số tiền và họ và doanh nghiệp đã đóng vào quỹ BHXH. Các chuyên gia phân tích, theo quy định hiện hành, tổng mức đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH. Trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%. Tổng mức đóng vào quỹ BHXH hàng năm bằng 2,64 tháng lương. Nếu người lao động hưởng BHXH một lần thì mức hưởng mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho mỗi năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho mỗi năm đóng từ năm 2014 trở đi. Như vậy, nếu lĩnh BHXH một lần, người lao động sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014.
Từ những vấn đề trên, nhiều ý kiến cho rằng để giải quyết căn cơ tình trạng người lao động rút BHXH một lần, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài. Trong đó, quan trọng nhất là tạo được niềm tin và sự đồng thuận của người lao động.
Trung tâm tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM cho biết giải pháp căn cơ nhất, bền vững nhất là tăng cường quyền lợi cho NLĐ khi hưởng chính sách hưu trí, cũng như các chế độ hưởng ốm đau, nghỉ dưỡng, thai sản, bệnh nan y... giảm % đồng chi trả, mặt khác cần quan tâm chính sách cho NLĐ được ở nhà ở xã hội, xây dựng Viện dưỡng lão... dành cho người lao động khi nghỉ hưu khó khăn, đơn thân.. có nơi nương tựa. Nghiên cứu bổ sung thêm chính sách để hạn chế việc NLĐ nữ rút BHXH 1 lần, ví dụ chế độ hỗ trợ học tập cho con NLĐ hàng tháng cho đến khi đủ 18 tuổi. Việc tăng quyền lợi BHXH cho người tham gia cũng là cách giữ họ ở lại hệ thống an sinh.
Chính sách BHXH cần hấp dẫn hơn để thu hút người lao động ở lại lâu dài (Huỳnh Như)
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng cần kéo giảm sự chênh lệch trong thụ hưởng chính sách BHXH giữa nam và nữ. Các nhà soạn thảo cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng và xem xét lại mức hưởng lương hưu đối với lao động nam vì tuổi nghỉ hưu theo quy định cũ đối với nam giới là 60 tuổi, quy định mới là 62 tuổi, tức là chỉ tăng 2 tuổi trong khi lao động nữ tăng 5 tuổi nhưng chỉ có mức hưởng lương hưu của lao động nam khi đóng từ đủ 15 năm bị tính giảm cơ học gây nên sự bất bình đẳng đối với lao động nam. Nếu đề xuất giảm số năm đóng tối thiểu xuống còn 15 năm được thông qua thì lao động nam tới tuổi nghỉ hưu có thời gian tham gia BHXH 15 năm thì lương hưu được tính bằng 33,75% mức đóng còn lao động nữ vẫn giữ tỉ lệ hưởng lương hưu tối thiểu bằng 45% mức đóng. Tỉ lệ hưởng lương hưu quá thấp cũng không hấp dẫn người lao động ở lại hệ thống BHXH.
Người lao động.