Trợ cấp hưu trí xã hội sẽ làm Luật BHXH thêm "cồng kềnh"?

(NLĐO) - Công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp xã hội hằng tháng khác có thể được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội

Tính đến cuối 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu . Tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp cấp BHXH hằng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội là hơn 5,1 triệu người, chiếm khoảng 35% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu. Trung ương xác định đến năm 2030, phấn đấu khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Để mở rộng độ bao phủ, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung thêm chế độ trợ cấp hưu trí xã hội. Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo. 

Mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ; Nhà nước khuyến khích các địa phương tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Trợ cấp hưu trí xã hội sẽ làm Luật BHXH thêm

Nguồn tài chính để thực hiện trợ cấp hưu trí xã hội là từ ngân sách nhà nước

Liên quan đến chính sách trợ cấp hưu trí xã hội hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Theo ông Trần Thanh Sơn, Trưởng Phòng Hành chính - Nhân sự Công ty TNHH May mặc Song Ngọc (quận Bình Tân, TP HCM), từ trước đến nay, chế độ hưu trí được xem như sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động có tham gia BHXH khi đến tuổi nghỉ hưu; chế độ hưu trí do quỹ BHXH chi trả. 

Tuy được gọi là trợ cấp hưu trí xã hội nhưng chế độ này nhằm mục đích trợ cấp cho người cao tuổi; việc trợ cấp không hướng tới việc bù đắp hay thay thế sự giảm sút về thu nhập và đối tượng thụ hưởng là người không tham gia BHXH. Nguồn tài chính để thực hiện trợ cấp không phải dựa trên sự đóng góp mà được bảo đảm từ ngân sách nhà nước. 

Như vậy, bản chất trợ cấp hưu trí xã hội là một chế độ trợ cấp xã hội, không phải là một loại hình BHXH. Cho nên, nếu đưa vào Luật BHXH, trong suy nghĩ của người lao động có tham gia BHXH sẽ phát sinh sự so sánh giữa người phải đóng BHXH mới được hưởng và người không đóng nhưng cũng được hưởng.

Tại buổi thảo luận về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV, Tiến sĩ.Trần Văn Khải - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) cũng bày tỏ sự băn khoăn khi đưa bổ sung chế độ hưu trí xã hội vào dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).

Trợ cấp hưu trí xã hội sẽ làm Luật BHXH thêm

Dự kiến đến năm 2030 Việt Nam sẽ có khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội

Theo Ông Khải, hệ thống an sinh xã hội hiện nay gồm BHXH, bảo trợ xã hội và ưu đãi xã hội. Ba lĩnh vực được điều chỉnh bằng những văn bản quy phạm pháp luật riêng biệt. Cụ thể, BHXH đã có Luật BHXH; Ưu đãi xã hội (người có công) đã có Pháp lệnh; Bảo trợ xã hội đang có những Nghị định điều chỉnh, cần thiết sớm xây dựng thành luật. Do vậy, việc đưa một nhóm đối tượng bảo trợ xã hội làm đối tượng điều chỉnh của Luật BHXH (sửa đổi) về kỹ thuật lập pháp là không rõ ràng khi nội dung, phạm vi điều chỉnh chồng lấn lên các lĩnh vực an sinh xã hội khác nhau. 

Việc Ban soạn thảo đưa đối tượng bảo trợ xã hội (hưu trí xã hội) làm đối tượng điều chỉnh sẽ khiến Luật BHXH thêm "cồng kềnh", thiếu tính ổn định, rành mạch; gây khó khăn mỗi lần sửa đổi, bổ sung chính sách bảo trợ xã hội (hạ độ tuổi hưu trí xã hội, mở rộng đối tượng, xác định điều kiện…)

Tiến sĩ Lê Thị Thúy Hương, Giảng viên cao cấp Trường ĐH Luật TP HCM, cho rằng trợ cấp hưu trí xã hội không mang hoàn toàn bản chất của hưu trí xã hội. 

Trợ cấp hưu trí xã hội nhằm mục đích trợ cấp cho người cao tuổi, việc trợ cấp này không hướng tới việc bù đắp hay thay thế sự giảm sút về thu nhập và đối tượng thụ hưởng cũng không nhất thiết là NLĐ. Bên cạnh đó, nguồn tài chính để thực hiện trợ cấp không phải dựa trên sự đóng góp mà được đảm bảo từ ngân sách nhà nước. 

Do đó, trợ cấp hưu trí xã hội mang dáng dấp của một chế độ trợ giúp xã hội dành cho người cao tuổi (do nhà nước cung cấp) hơn là một loại hình BHXH. Cho nên việc giải thích trợ cấp hưu trí xã hội cũng là một loại hình BHXH như dự thảo Luật BHXH sửa đổi có phần hơi khiên cưỡng và không thực sự thuyết phục.

Tuy nhiên, theo bà Hương, việc đưa trợ cấp hưu trí xã hội vào dự thảo Luật BHXH sửa đổi là hợp lý. Bởi lẽ trong mô hình hưu trí đa tầng mà ban soạn thảo đang cố gắng xây dựng thì chế độ hưu trí là quan trọng nhất, đóng vai trò "trụ cột"; trợ cấp hưu trí xã hội là "lưới an toàn", thể hiện vai trò "quét" toàn diện và đúng chức năng của Nhà nước đối với các đối tượng "dễ bị tổn thương" trong xã hội (tuổi già và không được hưởng hưu trí của BHXH vì không đóng góp vào quỹ BHXH. 

Còn bảo hiểm hưu trí bổ sung, sẽ bổ sung thêm cho hưu trí của BHXH. "Các loại trợ cấp này có tính liên kết với nhau tạo thành một mô hình chặt chẽ và có tính hệ thống, nên việc đưa trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm hưu trí bổ sung vào trong Dự thảo là hợp lý và đáng được ủng hộ" - bà Hương nói. 

Jobs List

createComments
Send me similar jobs
Create job alert